MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cuộc chiến ghế quyền lực tại Eximbank vẫn bế tắc

Cuộc chiến ghế quyền lực tại Eximbank không thể ngã ngũ

Gia Miêu LDO | 27/04/2019 12:43
Ngày 26.4, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (HOSE: EIB) tổ chức ĐHĐCĐ 2019. Đây có lẽ là Đại hội ngân hàng được nhiều cổ đông mong đợi nhất do có quá nhiều vấn đề cần được làm rõ, nhất là vị trí Chủ tịch HĐQT và ghế trống Tổng Giám đốc. Tuy nhiên, do số cổ đông dự họp không đủ nên ĐHCĐ đã không thể diễn ra.

Ông Trần Ngọc Dũng, Trưởng Ban kiểm tra tư cách cổ đông thông báo, số cổ đông có mặt là 198 cổ đông, đại diện 57.62% cổ đông có quyền biểu quyết. Số cổ đông dự họp thấp hơn 65%, không đủ điều kiện tiến hành ĐHĐCĐ. Ông thông báo Đại hội không thể tiến hành. Thời gian và địa điểm lần 2 sẽ thông báo trong thời gian gần nhất.

Trong thời gian qua, Eximbank là một ngân hàng được nhắc đến nhiều không phải do hoạt động kinh doanh vượt trội mà chính là cuộc chiến quyền lực dai dẳng giữa các nhóm cổ đông. 

Nhóm cổ đông Nam A Bank, trong đó nổi lên tên tuổi ông Nguyễn Quốc Toàn, Chủ tịch HĐQT và là con trai cả bà Tư Hường là đại diện, đã đầu tư vào Eximbank từ năm 2014 sau khi mua lại cổ phần của ông Trầm Bê.

Tuy nhiên, liên tiếp qua các mùa đại hội cổ đông từ 2015-2016, nhóm nhà đầu tư này thất bại trong việc đưa đại diện của mình vào HĐQT của Eximbank. Đến năm 2016, bà Lương Thị Cẩm Tú, cựu Tổng giám đốc Nam A Bank, đã chính thức được bầu là thành viên HĐQT Eximbank.

Sau những toan tính M&A không thành công, nguồn tin trong Nam A Bank cho hay hiện ngân hàng này chỉ tập trung vào chuyện niêm yết trên sàn chứng khoán và gọi thêm vốn ngoại. Trong khi đó, việc rút lui của nhóm cổ đông Nam A Bank cũng đồng thời giúp con trai của nhà sáng lập Tập đoàn Hoàn Cầu tập trung xử lý những vụ việc trong gia đình mới dấy lên gần đây.

Tuy nhiên, nếu như Nam A Bank tỏ ý định thoái lui thì những mâu thuẫn và tranh chấp tại Eximbank vẫn chưa dứt. Cuối tháng 3 vừa qua, nhà băng này công bố quyết định bổ nhiệm bà Tú vào vị trí Chủ tịch HĐQT thay cho ông Lê Minh Quốc bị bãi nhiệm. Tuy nhiên ngay sau đó, ông Quốc đã phản ứng, cho rằng quyết định trên không có tính pháp lý.

Theo ông Quốc, từ đại hội cổ đông thường niên tháng 4 năm ngoái, một nhóm thành viên HĐQT luôn gây khó khăn cho ông trong công tác điều hành.

Eximbank sau đó đã phát đi thông cáo phủ nhận cáo buộc trên của ông Lê Minh Quốc và khẳng định, việc HĐQT Eximbank tổ chức phiên họp ngày 22.3 để bổ nhiệm bà Lương Thị Cẩm Tú là theo đúng quy định của Luật Doanh nghiệp và theo điều lệ Eximbank.

TAND TPHCM có quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là tạm dừng thực hiện Nghị quyết bổ nhiệm và bãi nhiệm. Nhưng sau đó Eximbank tiếp tục khẳng định cáo buộc là vô căn cứ và đề nghị hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Diễn biến này cho thấy dường như cuộc “tranh đấu” quyền lực tại Eximbank vẫn chưa chấm dứt, chỉ chuyển từ nhóm nhà đầu tư này sang nhóm nhà đầu tư khác.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn