MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Căng thẳng cuộc chiến giành thị phần của các CTCK. Ảnh: Anh Dũng

Cuộc chiến giành thị phần của các công ty chứng khoán

Gia Miêu LDO | 04/02/2023 08:59

Doanh thu môi giới giảm ở hầu hết công ty chứng khoán trong bối cảnh thị trường chung thu hẹp.

Thống kê từ HoSE cho thấy, 10 công ty chứng khoán có giá trị môi giới lớn nhất trên sàn HoSE trong quý 4/2022 gồm VPS, SSI, VNDirect, MAS, HSC, VCSC, MBS, TCBS, KIS, VDSC. Cụ thể, VPS tiếp tục giữ vững vị trí số 1 về thị phần môi giới cổ phiếu với 14,81% trong quý cuối cùng của năm 2022. Đó là quý thứ 8 liên tiếp VPS đạt vị trí thị phần số 1 trên sàn HoSE, dù con số này thấp hơn gần 4 điểm phần trăm so với mức 18,71% của quý 3/2022. 

Trên HNX, chứng khoán VPS cũng giữ vị trí đứng đầu trong năm 2022 với thị phần đạt hơn 21%.

Đáng lưu ý là trong khi các công ty khác lọt vào top 10 môi giới cổ phiếu trên HNX chỉ cải thiện được thị phần không đáng kể, hoặc thậm chí chứng kiến thị phần bị co lại thì thị phần của VPS lại tăng thêm gần 5 điểm phần trăm từ mức 16,34% năm 2021.

Các công ty chứng khoán (CTCK) như SSI và VND cũng cải thiện được thị phần trên HNX trong năm 2021, tương ứng tăng thêm 0,14 và 0,12 điểm phần trăm.

Bị văng ra khỏi Top 10 trên HNX là 2 công ty HSC và SHS, thay vào đó là 2 công ty KB Việt Nam và VCBS với thị phần tương ứng là 3,12% và 2,76%.

Doanh thu của các CTCK sụt giảm mạnh trong năm qua. Ảnh: Toàn Lê 

Doanh thu môi giới giảm ở hầu hết công ty chứng khoán trong bối cảnh thị trường chung thu hẹp. Đơn cử như VPS trở thành công ty chứng khoán đứng số 1 về thị phần trên sàn HoSE nhưng thị phần trong quý IV/2022 đã giảm mạnh. Cả năm 2022, Công ty Cổ phần Chứng khoán VPS - công ty dẫn đầu về thị phần môi giới chứng khoán - chỉ thu về 550 tỉ đồng doanh thu từ hoạt động môi giới, bằng phân nửa cùng kỳ.

Cả năm 2022, doanh thu môi giới của 10 công ty chứng khoán dẫn đầu thị phần giao dịch sàn HoSE giảm gần 19,4% so với năm trước. Biên lợi nhuận gộp mảng môi giới của VPS giảm từ 22% trong quý IV/2021 xuống còn 12% quý IV/2022. SSI chỉ gần hòa vốn ở mảng môi giới trong quý IV/2022, trong khi cùng kỳ năm trước, cứ mỗi 100 đồng doanh thu môi giới, chỉ cần bỏ ra 63 đồng chi phí. Nhiều công ty khác cũng chấp nhận kinh doanh không đủ bù chi phí.

Giữ được thị phần khi tổng quy mô giao dịch toàn thị trường thu hẹp khiến nhiều công ty chứng khoán đánh đổi bằng hiệu quả. Tỉ suất lợi nhuận gộp trên doanh thu riêng mảng môi giới đã giảm đáng kể.

Ở top 10 doanh nghiệp dẫn đầu thị phần, doanh thu môi giới giảm chưa đến 20%, nhưng lãi gộp mảng này giảm tới 28,2%. Khách hàng VIP, cho vay deal vẫn luôn được các công ty chứng khoán chào đón.

Nhưng như đã nói ở trên, các đối tượng này đã có sự chuyển dịch sang bên khác, hoặc không còn vay nhiều như trước, khiến nhiều công ty chứng khoán cần tìm kiếm thêm khách hàng mới để bù đắp. Theo đó, nhiều công ty chứng khoán sẵn sàng hy sinh doanh thu môi giới để có được tệp khách hàng, càng đẩy cuộc đua giảm phí giao dịch quyết liệt hơn, qua đó cũng gây áp lực phần nào tới các công ty chứng khoán vốn khá cứng rắn trong việc giảm phí.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn