MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Net Zero không phải là cuộc chơi xa xỉ của người giàu. Ảnh: ĐỨC MẠNH

Cuộc chơi Net Zero không phân biệt quốc gia giàu nghèo

Đức Mạnh LDO | 01/07/2023 12:08

Net Zero hướng đến mục tiêu cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính xuống gần bằng 0. Trong đó, chuyển đổi xanh và giảm phát thải là một chặng đường dài với nhiều khó khăn, thách thức.

Thách thức lớn về kinh tế

Tính đến nay, khoảng 140 quốc gia đã cam kết hoặc hướng tới mục tiêu Net Zero. Mỗi quốc gia tự đặt ra mốc thời gian để đạt mục tiêu này, phần lớn là vào năm 2050. Một số ít ngoại lệ vào năm 2035 và muộn nhất vào năm 2070. Tại Hội nghị lần thứ 26 về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP26) năm 2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết Net Zero cho Việt Nam vào năm 2050.

PGS.TS Nguyễn Thường Lạng - Giảng viên Đại học Kinh tế Quốc dân - cho biết: "Cam kết về phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 mà chúng ta đã cam kết ở COP26 là dài hạn và mang tính chiến lược. Thách thức lớn nhất là chúng ta phải xây dựng được một lộ trình chi tiết và cụ thể".

Trong đó, nguồn lực kinh tế cho chuyển đổi xanh, đặc biệt với những quốc gia đang phát triển như Việt Nam là một thách thức lớn. Nghiên cứu của McKinsey chỉ ra 3,5 nghìn tỉ USD là chi phí mỗi năm cho thế giới hướng đến mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Con số này tương đương với mức tăng 60% so với mức đầu tư hiện nay và tương đương với khoảng một nửa lợi nhuận hàng năm của tất cả doanh nghiệp trên toàn cầu.

Cùng với đó, khoảng hơn 1.000 tỉ USD là khoản vốn cần được chuyển dịch từ những dự án đầu tư cũ sang dự án đầu tư mới có tính bền vững hơn.

Câu hỏi lớn đặt ra là liệu Net Zero có chỉ dành riêng cho các quốc gia giàu? Từ phía các doanh nghiệp, ông Morgan Donovan Carroll - Giám đốc ESG của Vinfast - nhấn mạnh đây không phải mục tiêu cho người giàu. Mỗi người đều cố gắng vì một môi trường xanh hơn, không chỉ cho chúng ta mà cho cả thế hệ tương lai, cho gia đình và con cháu chúng ta.

Ông Nguyễn Quốc Khánh - Giám đốc Điều hành Nghiên cứu và Phát triển của Vinamilk, Ban chỉ đạo dự án Net Zero Vinamilk - nhấn mạnh không phân biệt người giàu, người nghèo, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu tác động lên tất cả mọi thành phần không chừa một ai. Theo dự báo từ giờ tới 2024, tác động của El Nino tới Việt Nam ngày càng tiêu cực hơn, đặc biệt cho khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ.

"Tất cả mọi người đều bị ảnh hưởng tiêu cực. Bữa cơm hàng ngày của mọi người đã bắt đầu đâu đó có sự hiện diện tiêu cực này. Tôi nghĩ Net Zero không phải là cuộc chơi xa xỉ của người giàu. Tôi nghĩ đây là một nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi về một cuộc tốt hơn và an toàn hơn cho tất cả mọi người" - ông nói.

Công bằng trong trách nhiệm với môi trường

Báo cáo mang tên Tài trợ cho Hành động Khí hậu nêu rõ các nước đang phát triển và mới nổi sẽ cần khoản đầu tư khoảng 2.000 tỉ USD/năm trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 để giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính và đối phó với các tác động của biến đổi khí hậu.

Các nước đang phát triển cần số tiền trên để loại bỏ nhiên liệu hóa thạch, đầu tư vào năng lượng tái tạo và các công nghệ khác phát thải ít carbon, cũng như đối phó với tác động của các hiện tượng thời tiết cực đoan.

Đồng thời, họ cũng cần khoản đầu tư trên để thích ứng với tác động của cuộc khủng hoảng khí hậu, cũng như thực hiện các biện pháp bảo vệ và xây dựng cơ sở hạ tầng vững chắc hơn bao gồm cả đê điều và hệ thống cảnh báo sớm.

Ông Nicholas Stern - chuyên gia kinh tế và là một trong những tác giả của báo cáo này - cho hay: "Các nước giàu nên nhận ra rằng việc đầu tư vào hành động khí hậu ở các nước mới nổi và đang phát triển là một vấn đề công bằng. Vì lợi ích sống còn, lượng khí thải cao trước đây và hiện nay của họ gây tác động nghiêm trọng".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn