MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cuộc đua tăng lãi suất huy động ngày càng nóng

Lam Duy LDO | 20/08/2019 16:39
Cuộc đua tăng lãi suất huy động tiền đồng (VND) tiếp tục nóng bỏng với sự tham gia của nhiều ngân hàng thương mại và kỷ lục lãi suất cao nhất trên thị trường liên tục bị xô đổ.

Không còn duy trì trong khoảng 6,6-7,5%/năm như thống kế của Ngân hàng Nhà nước, mặt bằng lãi suất huy động VND các ngày gần đây liên tục xuất hiện các mức lãi suất trên 8%, thậm chí tới 8,5%/năm được các ngân hàng trả cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.

Đáng chú ý nhất là việc ABBank quyết định tăng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng lên 7,5%/năm và 12 tháng lên 8,5%/năm, tăng lần lượt 0,7% và 0,8% so với mức lãi suất cũ. Đây là mức lãi suất huy động VND cao nhất trên thị trường hiện nay và chỉ thấp hơn mức lãi suất chứng chỉ tiền gửi 10,2% vừa được một ngân hàng phát hành.

Trong khi đó, với việc trả lãi suất 8%, 8,1% và 8,2% lần lượt cho các kỳ hạn tiết kiệm 9 tháng, 12 tháng và 13 tháng, SHB hiện đang là ngân hàng niêm yết mức lãi suất tiết kiệm cao nhất trên thị trường áp dụng cho nhiều kỳ hạn.

Một ngân hàng cổ phần khác là VIB mới đây cũng thực hiện điều chỉnh lãi suất các kỳ hạn 12 và 13 tháng lên mức 8,19%/năm. Thậm chí với số tiền gửi lớn trên 5 tỉ đồng, ngân hàng này sẵn sàng trả cho khách hàng mức lãi suất 7,7-7,9% cho các kỳ hạn dài từ 15 tháng đến 36 tháng.

Giải thích cho các quyết định điều chỉnh lãi suất trên đây, lãnh đạo một ngân hàng cổ phần cho hay, gửi tiền tiết kiệm vẫn được xem là kênh đầu tư truyền thống an toàn và được các khách hàng tin tưởng. "Hơn nữa, trong bối cảnh lãi suất huy động đang rất cạnh tranh giữa các ngân hàng trên thị trường, gửi tiền ngân hàng tiếp tục là một trong những kênh tích lũy ưu thế hàng đầu của các gia đình"

Ông Nguyễn Văn Lê - Tổng giám đốc SHB - phân tích thêm, việc các ngân hàng trên thị trường đẩy mạnh huy động vốn, đặc biệt là các kỳ hạn dài là nhằm đón đầu cơ hội kinh doanh trong các tháng cuối năm.

Song có một điểm dễ nhận thấy là các ngân hàng chủ yếu tăng mạnh lãi suất huy động ở các kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên. Giới chuyên gia tài chính nhìn nhận, động thái này có thể xuất phát từ việc Ngân hàng Nhà nước siết chặt tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn kể từ đầu năm 2019 từ 45% xuống còn 40%.

Trong khi đó, kết quả một khảo sát báo cáo tài chính của 20 ngân hàng trong quý I/2019 cho thấy tỉ lệ vốn cho vay trung và dài hạn vẫn còn ở mức cao khi chiếm tới 54,68%, chỉ giảm nhẹ 1,6% so với cuối năm 2018.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn