MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
(ảnh minh họa).

Cuộc gọi “rác”: Vấn nạn mới đã hoành hành tại Việt Nam

Thế Lâm LDO | 10/11/2019 14:04
Trong khoảng hai năm trở lại đây, tình trạng cuộc gọi “rác” đã bùng phát tại Việt Nam và người dùng điện thoại di động lãnh đủ sự quấy nhiễu, phiền phức, thậm chí là cả sự chơi xỏ, trả thù.v.v… của các đối tượng thực hiện những cuộc gọi này.

Chưa có thống kê số cuộc gọi “rác”

Trả lời chất vấn tại Quốc hội sáng ngày 8.11 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn mạnh Hùng cho biết, theo thống kê của các nhà mạng hiện mỗi tháng có khoảng 10.000 số điện thoại (tương đương 10.000 SIM điện thoại) thực hiện các cuộc gọi quấy nhiễu bằng SIM “rác”.

Tuy nhiên trên thực tế, mỗi SIM “rác” không chỉ thực hiện 1 cuộc gọi “rác” đến 1 người mà thực hiện nhiều cuộc gọi đến nhiều người, và SIM đó được sử dụng trong một khoảng thời gian khá dài. Bằng chứng là khi sử dụng phần mềm chặn cuộc gọi trên smartphone, thỉnh thoảng lại thấy danh sách chặn hiện lên cuộc gọi bị chặn từ số điện thoại đã nằm trong “danh sách đen” (số SIM “rác”). Theo Bộ trưởng Hùng, có hàng triệu cuộc gọi “rác”, ảnh hưởng tới hàng triệu người.

Tình trạng cuộc gọi “rác” đang phổ biến đến mức có những người mỗi ngày phải hứng chịu hàng chục cuộc từ rao bán, giới thiệu căn hộ, đất nền cho đến mời mua bảo hiểm nhân thọ, suất du lịch nghỉ dưỡng, dịch vụ y tế…

Những năm qua, loại hình căn hộ nghỉ dưỡng (condotel) bị ứ đọng hàng chục ngàn căn trên thị trường, các cuộc gọi “rác” đa phần lại chính từ những nhân viên bán hàng loại sản phẩm này. Một nảy sinh mới nữa là cuộc gọi “rác” mời mua dịch vụ học tiếng Anh trực tuyến, hay mời mở tài khoản chơi chứng khoán quốc tế.

Chưa có qui định ngăn chặn cuộc gọi “rác”

Trong hàng chục năm qua tại Việt Nam người dùng điện thoại di động bị tình trạng tin nhắn “rác” hành hạ gây bức xúc và từ đó, các qui định nhằm ngăn chặn tin nhắn “rác” và siết chặt SIM “rác” đã được ban hành.

Về chống thư “rác”, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 90/2008/NĐ-CP vào năm 2008. Tuy nhiên vào thời điểm đó, nghị định mới chỉ điều chỉnh ở phạm vi tin nhắn “rác” và thư (email) “rác”. Chính vì thế, các đối tượng chuyển từ tin nhắn “rác” sang cuộc gọi “rác” để lách các chế tài và cũng nhằm đạt xác suất thông tin truyền tải đến người nghe cao hơn so với tỉ lệ người đọc tin nhắn “rác”.

Không dừng lại ở đó, nhiều đối tượng thực hiện cuộc gọi “rác” để quảng cáo hiện đã dùng tới phương thức cuộc gọi tự động (autocall). Theo đó, danh sách số điện thoại cần gọi được nhập sẵn trên hệ thống với nội dung được thu âm sẵn. Khi gọi đến người dùng điện thoại, đầu số hiện lên có thể là cố định hoặc di động, và đầu bên kia phát ra lời thoại. Với cuộc gọi tự động nhờ sự hỗ trợ của kĩ thuật công nghệ, đối tượng còn có thể kết nối về tổng đài bán hàng.

(ảnh minh họa).

Tính tới thời điểm hiện tại, tình trạng cuộc gọi ‘rác” thậm chí đang hoành hành còn hơn cả tình trạng tin nhắn “rác”, thế nhưng lại chưa có qui định cũng như biện pháp kĩ thuật nào đủ hữu hiệu để ngăn chặn. Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, trong năm 2019 này các nhà mạng sẽ bắt đầu thí điểm triển khai các công cụ chặn cuộc gọi “rác” tương tự như công cụ chặn tin nhắn “rác”.

Trong khi đó tại Mỹ, trước tình trạng cuộc gọi “rác” hoành hành, Ủy ban Viễn thông Liên bang Mỹ đã cho phép các nhà mạng tự động chặn cuộc gọi “rác” từ tháng 6.2019, đồng thời cảnh báo và đưa ra các chế tài kiên quyết hơn đối với các doanh nghiệp thường xuyên tạo ra các cuộc gọi “rác” quấy nhiễu người dùng điện thoại.

Không ít du khách đến Mỹ, sau khi mua SIM điện thoại và hòa mạng được 1-2 giờ đã nhận được những cuộc gọi đến chào mời dịch vụ tín dụng, bảo hiểm, giới thiệu cơ hội việc làm.v.v… Theo thống kê của Ủy ban Viễn thông Liên bang Mỹ (FCC), mỗi ngày quốc gia này phát sinh khoảng 150 triệu cuộc gọi “rác”. Trong 7 tháng đầu năm 2019, tổng số cuộc gọi “rác” tại Mỹ là 4,7 tỉ cuộc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn