MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Căng thẳng Biển Đỏ khiến giá cước vận chuyển bằng đường biển đi châu Âu, Mỹ tăng mạnh. Ảnh: Phú Nguyễn

Cước vận chuyển tàu biển leo thang - doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó

Cường Ngô LDO | 15/01/2024 06:17

Từ tháng 1.2024, một loạt hãng tàu thông báo tăng giá cước vận chuyển đi Mỹ, EU và các nước. Nguyên nhân là do căng thẳng tại Biển Đỏ, nên họ buộc phải thay đổi hành trình, dẫn đến thời gian vận chuyển dài hơn, chi phí tăng lên...

Cước biển tăng cao chóng mặt

Trao đổi với Lao Động, ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch HĐQT Công ty Thủy sản Thuận Phước - cho biết, thị trường EU chiếm khoảng 25% thị phần xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam và đây cũng là khu vực cước tàu biển tăng cao nhất.

"Cước biển tăng cao cùng với những khó khăn về thị trường, đơn hàng đã bào mòn lợi nhuận của doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản như chúng tôi.

Ngoài việc tăng cước phí thì thời gian vận chuyển hàng hóa cũng tốn nhiều hơn từ 7 - 10 ngày. Điều này làm đảo lộn các kế hoạch giao nhận hàng và sản xuất của chúng tôi cũng như các đối tác" - ông Lĩnh cho biết.

Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), hàng loạt hãng vận tải lớn như: Yang Ming Line, One, Evergreen Line, HMM, Maersk… đã gửi thông báo sẽ thu thêm phụ phí từ tháng 1.2024 do phải thay đổi hải trình các tuyến châu Á - châu Âu, tránh đi qua kênh đào Suez và khu vực Biển Đỏ.

Bắt đầu từ tháng 1.2024, cước vận chuyển từ Việt Nam đến cảng Los Angeles (bờ tây của Mỹ) tăng 800 - 1.250USD, tùy tuyến. Tháng 12.2023, giá cước ở mức 1.850USD - nay tăng lên 2.873 - 2.950USD. Cước từ Việt Nam đến New York (bờ đông của Mỹ) ghi nhận tăng nhiều hơn từ 1.400 - 1.750USD, tùy tuyến. Tháng 12.2023 giá ở mức 2.600USD tăng lên 4.100 - 4.500USD.

Cước tàu sang EU ghi nhận tăng mạnh, đi Hamburg (Đức) tháng 12.2023 là 1.200 - 1.300USD, thì sang đầu năm nay tăng lên 4.350 - 4.450USD, tăng hơn gấp đôi.

Có 80% lượng hàng hóa đi bờ Đông nước Mỹ/Canada và EU đều qua kênh đào Suez.

"Cước tàu biển tăng sẽ là thách thức mới cho doanh nghiệp thủy sản trong năm 2024. Nếu căng thẳng tại Biển Đỏ tiếp diễn hoặc leo thang, có thể dẫn đến hệ lụy là chi phí vận tải tăng, giá sản phẩm đầu vào cho nuôi trồng, chế biến thủy sản tăng, ảnh hưởng tới sức cạnh tranh và lợi nhuận của doanh nghiệp" - VASEP cho hay.

Doanh nghiệp chủ động đa dạng hóa phương thức giao hàng

Ông Vương Đức Anh - Chánh Văn phòng HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) - cho biết, ngay đầu năm 2024, nền kinh tế đã đón nhận tin không vui khi xảy ra các vụ tấn công tàu chở hàng đi qua khu vực Biển Đỏ. Tuyến vận chuyển này đóng vai trò quan trọng với nền kinh tế thế giới, kết nối châu Á với châu Âu và Mỹ.

Hiện có khoảng 30% các tàu container trên thế giới đi qua khu vực này và bất kỳ mối đe dọa đáng kể nào tới sự an toàn này đều có thể gây ra những hậu quả dây chuyền.

Đến nay, 7 trong số 10 công ty vận chuyển lớn nhất thế giới, trong đó có BP và Hapag-Lloyd của Đức, cũng như hàng loạt hãng vận tải lớn như: Yang Ming Line, One, Evergreen Line, HMM, Maersk… đã thông báo sẽ thu thêm phụ phí do phải thay đổi hải trình các tuyến châu Á - châu Âu, tránh đi qua kênh đào Suez và khu vực Biển Đỏ.

“Trong bối cảnh đó, thị trường quý I/2024 sẽ chưa có tín hiệu khả quan, chỉ từ quý II/2024 mới có thể ấm dần lên” - ông Vương Đức Anh nhận định.

Trước tình hình căng thẳng tại biển Đỏ, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) gửi khuyến cáo đến các hiệp hội ngành hàng, hiệp hội trong lĩnh vực logistics. Theo đó, doanh nghiệp tăng cường theo dõi, cập nhật tình hình để chủ động kế hoạch sản xuất và xuất nhập khẩu hàng hóa, tránh để phát sinh ùn tắc và các tác động bất lợi khác; chủ động lên phương án thích hợp, trao đổi với đối tác để trong trường hợp cần thiết có thể kéo dài thời gian đóng hàng, nhận hàng.

Cùng với đó, Cục Xuất nhập khẩu cũng khuyến khích doanh nghiệp chủ động tìm kiếm và đa dạng hóa nguồn cung để hạn chế ảnh hưởng đối với chuỗi cung ứng. Tìm hiểu về phương thức vận chuyển đường sắt để có lựa chọn khác nhau về phương thức giao hàng.

Đặc biệt, Cục Xuất nhập khẩu khuyến cáo doanh nghiệp khi ký kết và đàm phán hợp đồng thương mại, hợp đồng vận chuyển nên có điều khoản về bồi thường, miễn trách nhiệm trong các tình huống khẩn cấp. Cần mua bảo hiểm đầy đủ để phòng ngừa rủi ro.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn