MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cuối năm, chợ truyền thống ế ẩm, shipper bùng nổ đơn hàng

Hoàng Bin LDO | 26/01/2024 06:24

Quảng Nam - Xu hướng mua hàng trực tuyến khiến chợ truyền thống ế ẩm, đìu hiu trong thời điểm cận Tết. Ngược lại, đội ngũ shipper tăng ca đến tối muộn do đơn hàng tăng đột biến.

Shipper giao hàng không xuể

Những ngày cận Tết, số đơn hàng tăng mạnh, các shipper (người giao hàng) ở Quảng Nam phải làm việc bận rộn từ sáng sớm tới tận khuya.

Từ 6h30, anh Lương Huy Hoàng (24 tuổi, xã Tam Xuân, huyện Núi Thành) cùng hàng chục bưu tá đã có mặt tại bưu cục để nhận, phân chia hàng hóa. Vào dịp cận Tết, số lượng đơn giao quanh khu vực huyện Núi Thành tăng gấp 3 đến 4 lần ngày thường.

Shipper giao hàng cho công nhân KCN Trường Xuân, TP Tam Kỳ. Ảnh: Hoàng Bin.

“Điện thoại tôi lúc nào cũng trong tình trạng nóng máy vì gọi liên tục mỗi ngày hàng trăm cuộc. Không phải đơn nào giao cũng có khách nhận ngay, nhiều khi gọi 2-3 lần mới được. Để kịp giao cho khách, tôi phải nhịn cả ăn trưa, có hôm 21h tối còn ở ngoài đường” - Hoàng kể.

Đang chạy taxi nhưng anh Võ Xuân Tiến (35 tuổi, xã Tam Phú, TP Tam Kỳ) cũng tắt ứng dụng để chuyển qua làm shipper.

“Khách hàng đi taxi giảm đáng kể nên tôi chuyển qua giao hàng nhanh để kiếm thêm thu nhập. Mỗi ngày, tôi vận chuyển khoảng 200 đơn hàng, mỗi đơn được trả tiền công từ 3.000 đồng trở lên tùy theo quãng đường di chuyển, thu nhập khoảng 15 triệu đồng/tháng. Đây là thu nhập tốt trong bối cảnh việc làm khó khăn hiện nay” - anh Tiến chia sẻ.

Bất chấp tiết trời lạnh rét, nhiều shipper vẫn cố gắng tăng ca để kiếm thêm tiền lo Tết cho gia đình. Ảnh: Hoàng Bin.

Tuy có thu nhập tốt nhưng công việc giao hàng không hề dễ dàng. Đã có trường hợp, shipper phải đền bù tiền triệu do làm hỏng các đơn hàng của khách, như rượu, thực phẩm…

Theo ông Đỗ Xuân Thắng - Giám đốc Chi nhánh Bưu chính Viettel Quảng Nam cho biết, để khuyến khích các bưu tá lúc cao điểm, Viettel Post có chính sách thưởng chuyên cần, thưởng doanh số theo năng suất đơn được giao trong ngày dựa trên các mốc 50, 70, 80, 90, 100 đơn…

Chợ truyền thống người bán nhiều hơn người mua

Trái ngược với khung cảnh nhộn nhịp trên chợ thương mại điện tử, thời điểm này, các chợ truyền thống trên địa bàn TP Tam Kỳ vẫn thưa vắng người mua, nhiều mặt hàng kinh doanh, buôn bán của tiểu thương rơi vào tình trạng ế ẩm.

Trả lời PV Lao Động chiều 25.1, cô Trần Thu Hà (52 tuổi) - tiểu thương bán quần áo tại chợ lớn nhất TP Tam Kỳ (phường Phước Hòa) cho hay, hơn 10 năm buôn bán tại chợ, chưa bao giờ gặp tình cảnh ế ẩm như bây giờ.

Hàng hóa phục vụ Tết đa dạng, giá bình ổn nhưng chợ truyền thống thưa vắng người mua. Ảnh: Thảo Nguyên

"Đã qua tháng Chạp rồi mà không khí mua sắm tết vẫn ảm đạm lạ thường. Nhiều hàng hóa mới nhập phục vụ tết từ dịp lễ Giáng sinh, đến nay vẫn còn nguyên trên kệ, tồn kho khá nhiều" - cô Hà nói.

Chị Lê Thị Hiền, chủ sạp hàng thực phẩm ở chợ thương mại Tam Kỳ (phường An Mỹ) cho biết, hàng Tết năm nay đa dạng, nhiều loại bánh mứt ngon mà giá lại không tăng. Mọi năm thời điểm này người đi mua sắm tết rộn ràng cả khu chợ. Nhưng năm nay, người đến mua ít ỏi; quanh đi quẩn lại chỉ toàn người bán chứ không bao nhiêu người mua.

Xu hướng mua hàng trực tuyến được người dân ưu chuộng bởi sự tiện lợi, nhờ đó, đội ngũ shipper cũng có được thu nhập đáng kể. Ảnh: Hoàng Bin

Là một khách hàng thường xuyên mua hàng trực tuyến, chị Nguyễn Thị Anh My, xã tan Đàn, huyện Phú Ninh cho rằng, xu hướng mua hàng trực tuyến chiếm ưu thế so với chợ truyền thống bởi vì khách hàng có nhiều sự lựa chọn về mẫu mã, kiểu dáng, với nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn.

“Hầu như các đơn tôi đặt trực tuyến đều được giao đúng hạn. Nhiều hôm, dù trưa nắng thì các anh shipper cũng giao tận tay với thái độ niềm nở” - chị Anh My cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn