MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thị trường Philippines và Campuchia tạo nhiều cơ hội cho xuất khẩu gạo cuối năm. (Ảnh minh họa)

Cuối năm, tăng cơ hội xuất khẩu gạo Việt Nam sang Philippines và Campuchia

Mỹ Hạnh LDO | 01/11/2019 15:43

Tháng 10.2019, Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công thương Philippines) đã chính thức thông báo sẽ không áp thuế nhập khẩu gạo bổ sung đối với gạo nhập khẩu trong thời gian tới.

Dự báo xuất khẩu gạo các tháng cuối năm sẽ khởi sắc, khi tháng 9.2019, Bộ Nông nghiệp Philippines đã khởi xướng điều tra sơ bộ việc tự vệ đối với gạo nhập khẩu.

Tuy nhiên, đến tháng 10.2019, Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công thương Philippines) đã chính thức thông báo nước này sẽ không áp thuế nhập khẩu gạo bổ sung đối với gạo nhập khẩu trong thời gian tới. Nguyên nhân chính là do hiện không có các thông tin, số liệu cụ thể đánh giá được mức độ tác động của việc nhập khẩu gạo cũng như tính hiệu quả của biện pháp tăng thuế đối với sự phát triển của ngành gạo Philippines.

Trên thực tế, mặc dù việc nhập khẩu gạo khiến cho giá lúa sụt giảm, gây ảnh hưởng tiêu cực đến người nông dân trồng lúa, nhưng không phải tất cả vùng trồng lúa của Philippines đều xảy ra hiện tượng giảm giá như trên. Thông báo này là tín hiệu tốt đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam vào thị trường này.

Bên cạnh đó, chính phủ Philippines cũng đã đưa ra dự báo về nhu cầu tiêu thụ gạo nội địa của nước này đến năm 2030 với mức tăng dần đều, cụ thể đạt 14,5 triệu tấn vào năm 2022 (tăng 4,3% so với năm 2019), 15,2 triệu tấn vào năm 2026 (tăng 9,4%) và 16,0 triệu tấn vào năm 2030 (tăng 15,1%). Trong khi Philippines là quốc gia khó có thể tự cung tự cấp về lương thực, do đó, mức độ phụ thuộc vào nhập khẩu gạo, đặc biệt là từ các quốc gia Đông Nam Á trên cùng khu vực, trong đó có Việt Nam, sẽ dần tăng lên trong tương lai.

Theo Liên đoàn Gạo Campuchia (CRF), xuất khẩu gạo của nước này sang Trung Quốc đã tăng mạnh trong 9 tháng đầu năm nay, cụ thể 157,8 nghìn tấn gạo đã được xuất sang Trung Quốc, tăng 44% so với năm ngoái. Năm ngoái, Campuchia chỉ xuất khẩu khoảng 170 nghìn tấn gạo trong tổng 300 nghìn tấn được cho phép. Trong năm nay, CFR kỳ vọng có thể xuất được toàn bộ 300 nghìn tấn trong hạn ngạch và hướng đến xuất được 400 nghìn tấn vào năm 2020. Theo dự báo, việc Campuchia tăng cường xuất khẩu gạo sang Trung Quốc, ngược lại có thể sẽ đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Campuchia. Nguyên nhân chính là mức sản xuất của Campuchia khó có thể đáp ứng ngay được mục tiêu xuất khẩu của nước này. Tuy nhiên, không phải loại gạo nào cũng có thể xuất khẩu mà sẽ chỉ tập trung vào các loại gạo chất lượng cao và tương đồng với gạo Campuchia.

Khối lượng gạo xuất khẩu 10 tháng năm 2019 ước đạt 5,56 triệu tấn và 2,43 tỉ USD, tăng 6,1% về khối lượng nhưng giảm 9,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.

Theo thống kê của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), riêng tháng 10.2019, khối lượng gạo xuất khẩu đạt 499 nghìn tấn, đạt giá trị  228 triệu USD.

Về chủng loại xuất khẩu, trong 9 tháng năm 2019, giá trị xuất khẩu gạo trắng chiếm 47,1% tổng kim ngạch; gạo jasmine và gạo thơm chiếm 39,5%; gạo nếp chiếm 7,3%; và gạo japonica và gạo giống Nhật chiếm 5,8%.

Các thị trường xuất khẩu gạo trắng lớn nhất của Việt Nam là Philippines (51,0%), Malaysia (12,0%) và Cuba (11,8%). Với gạo Jasmine và gạo thơm, thị trường xuất khẩu lớn nhất là Philippines (24,6%), Bờ Biển Ngà (16,5%) và Irắc (13,9%). Về gạo nếp, thị trường xuất khẩu lớn là Trung Quốc (50,2%), Philippines (19,1%) và Malaysia (11,6%).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn