MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cựu banker hé lộ cách quản lý tài chính thông minh chỉ với 3 quỹ đơn giản

Đức Mạnh LDO | 28/05/2022 19:43
Theo GS.TS Andreas Stoffers, mỗi đồng dành ra chính là điểm khởi đầu của sự giàu có. Vì thế nên mỗi người cần bắt đầu thói quen tiết kiệm và lập ra 3 tài khoản để quản lý tài chính thông minh ngay từ hôm nay.

GS.TS Andreas Stoffers hiện là Giám đốc quốc gia Quỹ Friedrich Naumann Foundation tại Việt Nam. Ông từng có 18 năm kinh nghiệm làm việc tại các vị trí cấp cao của Ngân hàng Deutsche Bank tại Đức và Đông Nam Á. 

Chia sẻ trong chương trình Tài chính thông minh (laodong.vn), ông cho rằng giàu có có cái giá của nó. Đó là cần đầu tư thời gian và công sức. Nếu nỗ lực cố gắng, bạn sẽ đổi lại được sự tự do thực sự.

Để dư giả về mặt tài chính, cựu banker lão làng đề xuất một người có thể áp dụng phương pháp quản lý tài chính thông minh sau.

  GS TS Andreas Stoffers trong chương trình Tài chính thông minh (laodong.vn). Ảnh: Đức Mạnh

Tiết kiệm và tiết kiệm

Theo GS.TS Andreas Stoffers, mỗi đồng dành ra chính là điểm khởi đầu của sự giàu có. Vì thế nên mỗi người cần bắt đầu thói quen tiết kiệm ngay từ ngay hôm nay.

"Hãy cố gắng tiết kiệm 10% tiền lương mỗi tháng. Với mỗi khoản tăng thu nhập, hãy để dành 50% số đó. Bạn hãy cố gắng đừng đụng tới khoản tiền này. Một người có thể bắt đầu với một khoản tiết kiệm nhỏ và đem nó đi đầu tư khi đã có đủ kiến thức chuyên sâu", chuyên gia đưa ra lời khuyên.

Giữ tiền cho mình nhưng cũng cần cho đi

Với kinh nghiệm 18 năm làm trong lĩnh vực ngân hàng, GS.TS Andreas Stoffers khuyên mỗi người nên lập 3 tài khoản để quản lý tài chính thông minh.

Tài khoản thứ nhất dành cho chi tiêu hàng hàng tháng.

Tài khoản thứ hai dùng để tiết kiệm và đầu tư đều đặn. Cứ đầu mỗi tháng, bạn hãy chuyển trực tiếp 10% tiền lương vào tài khoản này. "Đừng bao giờ động đến chúng", ông lưu ý.

Tài khoản thứ 3 dành cho giải trí, hãy dành ra 5 – 20% thu nhập. Với số tiền này, bạn có thể mua điện thoại hoặc xe mới khi dành dụm đủ. Nó cũng dùng cho những hoạt động vui chơi khác như đi xem phim hay đi du lịch.

"Ai cũng cần thư giãn trong cuộc sống mà", ông nói.

Điều quan trọng không kém khác, theo ông là đừng quên nghĩ rằng còn những người khó khăn và thiếu thốn hơn bạn rất nhiều. Hãy để ra một khoản nhất định trong thu nhập để làm từ thiện. Nó sẽ giúp tinh thần bạn thoải mới hơn và cảm thấy giàu có. 

GS TS Andreas Stoffers cho hay: "Hầu hết những người nhiều tiền tôi gặp trên thế giới và tại Việt Nam đều rất phóng khoáng. Sự hào phóng này có ngay từ khi họ chưa giàu! Nó nằm ở suy nghĩ. 

Bạn chỉ cần một khoản nhỏ, ví dụ 100.000 đồng thôi. Nó sẽ giúp ích cho chính người trao đi, có khi còn nhiều hơn với người nhận".

Độc giả/khán giả có thể xem video Tài chính thông minh tại đường link sau.

Nếu có bất kỳ thắc mắc nào liên quan tới quản lý tài chính cá nhân và đầu tư, đừng ngần ngại gửi câu hỏi tới các chuyên gia của chương trình Tài chính thông minh bằng cách bình luận ngay dưới bài viết!

Chương trình Tài chính thông minh được phối hợp thực hiện bởi Báo Lao Động và viện Friedrich Naumann Việt Nam (FNF). Chuỗi video được phát sóng vào 19h tối thứ Năm hàng tuần với sự tham gia của các chuyên gia đến từ nhiều trường đại học, tổ chức tài chính uy tín… cùng chia sẻ những kiến thức, kỹ năng quản lý tài chính cá nhân và đầu tư tới độc giả/khán giả!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn