MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam lỗ luỹ kế 1.822 tỉ đồng. Ảnh: Lâm Anh

Cứu cánh nào cho loạt doanh nghiệp nhà nước thua lỗ nặng?

ĐÌNH TRƯỜNG LDO | 17/10/2022 06:11

Hàng loạt doanh nghiệp Nhà nước lỗ đến cả nghìn tỉ đồng. Theo đánh giá của Chính phủ, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước chưa xứng với nguồn lực nắm giữ. Một số dự án có vốn đầu tư lớn nhưng không thành công, rủi ro cao như dự án tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí, khai thác khoáng sản; một số dự án có lỗ lũy kế lớn, lỗ liên tiếp trong nhiều năm, phương thức tái cấu trúc chưa hiệu quả...

Nhiều đơn vị thua lỗ nặng

Chính phủ vừa có báo cáo gửi Quốc hội về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc năm 2021.

Theo đó, tính đến ngày 31.12.2021, cả nước có 826 doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước, gồm 673 doanh nghiệp nhà nước và 153 doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của nhà nước.

Tổng tài sản của các doanh nghiệp này gần 3,7 triệu tỉ đồng, tăng 2% so với năm 2020. Vốn chủ sở hữu 1,8 triệu tỉ đồng, tăng 3% so với năm 2020. Tổng doanh thu đạt 2,1 triệu tỉ đồng, tăng 8% so với năm 2020. Lãi phát sinh trước thuế đạt hơn 205.000 tỉ đồng, tăng 25% so với năm 2020.

Riêng 673 doanh nghiệp Nhà nước có tổng tài sản hơn 3,4 triệu tỉ đồng, tăng 1% so với năm 2020. Vốn chủ sở hữu hơn 1,7 triệu tỉ đồng, tăng 3%. Tổng doanh thu của 673 doanh nghiệp Nhà nước đạt hơn 2 triệu tỉ đồng, tăng 8% so với năm 2020. Lãi phát sinh trước thuế đạt gần 200.000 tỉ đồng, tăng 25%. Năm 2021, các doanh nghiệp này đóng góp vào ngân sách hơn 316.000 tỉ đồng, tăng 6% so với năm 2020.

Tuy nhiên, trong tổng số 673 doanh nghiệp, có 58/673 doanh nghiệp có lỗ phát sinh, với tổng số lỗ là 15.785 tỉ đồng.

Ngoài ra, còn có 138/673 doanh nghiệp lỗ lũy kế với tổng số lỗ lũy kế là 50.125 tỉ đồng.

Các tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ - con có số tổng doanh thu lớn tập trung chủ yếu ở các doanh nghiệp có quy mô lớn như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (441.000 tỉ đồng); Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (381.000 tỉ đồng); Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông quân đội (149.000 tỉ đồng); Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (114.000 tỉ đồng)...

Chính phủ cho biết, lỗ phát sinh theo báo cáo hợp nhất của 5 tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ - con là 1.830 tỉ đồng. Trong đó, Công ty TNHH MTV Đầu tư Tài chính Nhà nước TPHCM lỗ phát sinh 771 tỉ đồng; Tổng Công ty Đường sắt lỗ phát sinh 518 tỉ đồng...

Ngoài ra, lỗ phát sinh theo báo cáo của 5 công ty mẹ là 2.369 tỉ đồng.

Báo cáo hợp nhất có 16 tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ - con còn lỗ lũy kế 14.703 tỉ đồng và 9 công ty mẹ lỗ lũy kế 5.532 tỉ đồng. Trong đó đáng chú ý như Tập đoàn Hóa chất (2.612,7 tỉ đồng); Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (1.822 tỉ đồng); Tổng Công ty Cà phê (453 tỉ đồng); Công ty TNHH MTV Đầu tư Tài chính Nhà nước TPHCM (426 tỉ đồng)...

Chưa tương xứng với nguồn lực

Theo đánh giá của Chính phủ, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước chưa xứng với nguồn lực nắm giữ. Một số dự án có vốn đầu tư lớn nhưng không thành công, rủi ro cao như dự án tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí, khai thác khoáng sản; một số dự án có lỗ lũy kế lớn, lỗ liên tiếp trong nhiều năm, phương thức tái cấu trúc chưa hiệu quả...

Cùng với đó, trách nhiệm thực thi quyền chủ sở hữu nhà nước chưa thật sự rõ ràng; cơ quan đại diện chủ sở hữu thiếu nguồn lực, chưa hoạt động chuyên nghiệp và chưa tách bạch chức năng chủ sở hữu với quản lý nhà nước.

Ông Phạm Đức Trung - Trưởng ban Nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) đề xuất, về lâu dài vẫn cần đẩy mạnh cổ phần hóa để thuận lợi hơn trong việc áp dụng các thông lệ tốt về quản trị doanh nghiệp nhà nước.

Bên cạnh đó, nâng cao trách nhiệm, tính chuyên nghiệp và hiệu quả thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước; tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế để doanh nghiệp nhà nước thực sự hoạt động theo cơ chế thị trường, cạnh tranh bình đẳng.

Trước đó vào tháng 3, Đề án “Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021-2025” đã được phê duyệt.

Trong đề án này nêu rõ, cơ cấu lại có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ. Xử lý cơ bản dự án, công trình chậm tiến độ, đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp nhà nước. 

Đáng chú ý, về các giải pháp được đưa ra, đề án này yêu cầu giải quyết dứt điểm tình trạng đầu tư dàn trải, ngoài ngành, lĩnh vực kinh doanh chính thông qua việc thoái vốn, bảo đảm các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp nhà nước tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính.

Rà soát, đánh giá làm rõ thực trạng của từng doanh nghiệp, dự án đầu tư thua lỗ, kém hiệu quả để có phương án xử lý kịp thời, giảm thiểu tối đa tổn thất cho Nhà nước và xã hội.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn