MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều tập đoàn chăn nuôi lớn đồng tình giảm bớt lãi suất, đưa giá lợn hơi xuống dưới 50.000đ/kg. Ảnh: Hán Văn Cầu

Đã có doanh nghiệp đầu tiên xung phong giảm giá lợn hơi xuống dưới 50.000đ/kg

Kh.V LDO | 10/10/2018 16:59
Ngay sau lời kêu gọi của Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, từ ngày 10.10.2018, đã có đơn vị đầu tiên xung phong giảm lãi, đưa giá lợn hơi xuống dưới 50.000đ/kg. 

Theo Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) Nguyễn Xuân Dương, hưởng ứng lời hiệu triệu của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường về tìm kiếm các giải pháp bình ổn thị trường và phát triển bền vững ngành hàng thịt lợn của Việt Nam, Tập đoàn CP Việt Nam rất đồng tình với các giải pháp mà Bộ trưởng đã chỉ đạo, trong đó có vấn đề đưa giá lợn thịt trong nước giảm xuống bằng và thấp hơn các nước trong khu vực.

Ngay hôm nay (10.10), Tập đoàn CP Việt Nam sẽ tiếp tục giảm giá lợn thịt của khu vực phía Bắc xuống thêm 500đ/kg và cung ứng đủ nhu cầu con giống cho người chăn nuôi có nhu cầu tái đàn mở rộng quy mô chăn nuôi.

Ông Kiều Minh Lực-Phó Tổng Giám đốc C.P Việt Nam cho biết, hiện nay công suất bán của C.P “quá tải” thêm 30%. Nếu như khả năng cung ứng của C.P là 100 con nhưng phải bán ra tới 130 con mới đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường. Do đó, C.P phải xuất bán cả lợn trọng lượng 90kg, trong khi trọng lượng lý tưởng của lợn mang lại lợi nhuận cao nhất khi xuất chuồng là khoảng 100-120kg/con.

Ngoài ra, các doanh nghiệp chăn nuôi khác như Japfa, CJ, Dabaco… cũng cam kết rà soát lại quy trình quản lý, sản xuất để có thể giảm giá lợn hơi.

Trước đó, chiều tối 9.10.2018, tại buổi gặp mặt 12 tập đoàn, doanh nghiệp chăn nuôi, cung ứng thịt lợn lớn nhất, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: Với giá bán khoảng 45.000 đồng/kg doanh nghiệp đã có lãi. Ngành chăn nuôi nên duy trì mức giá này bền vững, không nên để giá cao quá (52.000-55.000đ/kg-PV), thịt lợn sẽ vào Việt Nam theo “dòng chảy phụ”, lúc đó, ngành chăn nuôi sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt và chắc chắn “thua trên sân nhà”.

Chính vì vậy, để cứu mình, các DN chăn nuôi phải cơ cấu lại hệ thống, giảm giá con giống, giảm giá thức ăn chăn nuôi, đổi mới quản trị… để giảm giá thành, đảm bảo giữ được thị trường của gần 100 triệu người tiêu dùng trong nước, không để các doanh nghiệp nước ngoài cạnh tranh và giành mất thị phần.

Ông Nguyễn Xuân Dương cho biết thêm, từ đầu năm 2018 đến nay ngành chăn nuôi gặp nhiều thuận lợi. Tổng lượng thịt gia cầm đạt 808,7 nghìn tấn, tăng khoảng 9,7% so với cùng kỳ; sản lượng trứng gia cầm khoảng 1,2 tỉ quả; tổng đàn bò sữa khoảng 5,7 triệu con...

"Giá thịt gia cầm, thịt bò, trứng... ổn định, thậm chí thịt gia cầm giảm nhẹ, nên người tiêu dùng có nhiều lựa chọn cho bữa ăn gia đình, không nên chỉ tập trung vào thịt lợn tại thời điểm giá cao" - ông Nguyễn Xuân Dương lưu ý.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn