MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đa dạng đồng tiền thanh toán trước áp lực tỉ giá

LAN NHI LDO | 21/10/2022 09:54

Giá đồng USD tăng cao đang khiến cho tình hình kinh doanh, sản xuất của các doanh nghiệp biến động. Nhiều chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam cần phải đa dạng đồng tiền thanh toán, nỗ lực hơn nữa để điều chỉnh lại thị trường xuất nhập khẩu, tránh rơi vào trạng thái lỗ tỉ giá.

Giá đồng USD tăng cao đang khiến cho tình hình kinh doanh, sản xuất của các doanh nghiệp biến động. Ảnh: S.X
Nhiều yếu tố bất lợi

Ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, giá đồng USD đang tăng cao giúp các doanh nghiệp thủy sản được hưởng lợi khi phần lớn các giao dịch hiện đều thanh toán bằng USD. Trong 9 tháng đầu năm 2022, Mỹ vẫn là thị trường chính của doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản. Tuy nhiên, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đang đối mặt cùng lúc 2 sức ép đó là giảm giá xuất khẩu để tăng cạnh tranh nhưng đồng thời cũng phải tăng giá thu mua nguyên liệu do nguồn cung thiếu.

Cụ thể, khi giá USD tăng cao buộc doanh nghiệp thuỷ sản phải trả thêm một khoản khi nhập nguyên liệu, vì thế giá thành thủy sản của Việt Nam đang leo thang. Trong khi đó sức mua của người tiêu dùng tại những thị trường tiêu thụ lớn đã giảm đáng kể, ngành thủy sản sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn và dự báo sẽ giảm nhiệt trong những tháng cuối năm.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, đồng USD tăng giá khiến doanh thu xuất khẩu khi được quy đổi sang VND sẽ tăng, giúp cho các doanh nghiệp xuất khẩu được hưởng lợi. Tuy nhiên, doanh nghiệp khi sản xuất vẫn phải nhập khẩu nhiều nguyên phụ liệu, giá USD tăng đã khiến doanh thu bị bội chi về phí nhập khẩu, phí vận tải (logistics) và phải gánh khoản chênh lệch tỉ giá rất lớn nếu doanh nghiệp vay nợ bằng USD.

Theo báo cáo mới đây của Công ty chứng khoán VNDirect, một số doanh nghiệp có cơ cấu nợ bằng USD lớn như Nhiệt điện Hải Phòng, Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí, Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công, Thủy sản Minh Phú, Tổng Công ty Phát điện 3, Vietnam Airlines, Tập đoàn Vingroup, PC1, Điện lực Dầu khí Việt Nam, Novaland… Với mức tỉ giá tăng như hiện nay, khoản lỗ tỉ giá mà các doanh nghiệp này phải đối mặt là rất lớn và đây sẽ là khoản chi phí đáng kể đối với hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.

Cần linh hoạt, đa dạng đồng tiền thanh toán

Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có động thái nới biên độ và tăng tỉ giá trung tâm, giá mua bán USD tại các ngân hàng lập tức áp sát mức trần mới. Bình luận về điều hành tỉ giá của NHNN, TS Cấn Văn Lực cho rằng, việc nới biên độ giao dịch VND/USD là phù hợp với thực tế thị trường.

Thời gian tới, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tăng lãi suất khiến đồng USD tiếp tục tăng giá, gây áp lực lên tỉ giá và lãi suất của Việt Nam. Việc nới biên độ giao dịch VND/USD này sẽ có tác động nhất định tới nền kinh tế nhưng trong tầm kiểm soát, cán cân thương mại của Việt Nam không bị ảnh hưởng nhiều.

TS Lê Xuân Nghĩa - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng nhận định, trong bối cảnh thị trường hàng hóa và ngoại hối còn diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần chú ý để đảm bảo ổn định dòng tiền thanh toán, chú ý đến tỉ giá

hối đoái giữa VND và các đồng tiền thanh toán. Những tháng cuối năm 2022, trước biến động của đồng USD, các doanh nghiệp cần phải theo sát tình hình, chủ động lựa chọn thị trường xuất, nhập khẩu và đa dạng hóa sự lựa chọn đồng tiền thanh toán có lợi.

Theo ông Nghĩa, doanh nghiệp cũng nên đa dạng hóa các đồng tiền thanh toán quốc tế, tránh việc chỉ sử dụng đồng USD. Đối với doanh nghiệp lớn kinh doanh xuất nhập khẩu cần lựa chọn những ngân hàng có khả năng tài trợ thương mại tốt, cung cấp các dịch vụ phòng ngừa rủi ro hối đoái đơn giản, thuận lợi. Doanh nghiệp có thể sử dụng các hợp đồng hoán đổi, hợp đồng mua bán kỳ hạn nhằm đảm bảo cho các hoạt động xuất nhập khẩu được ổn định và ứng phó được với bất cứ rủi ro thị trường nào.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn