MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một trang trại chăn nuôi lợn theo mô hình an toàn sinh học tại Phú Thọ. Ảnh: Văn Giang

Đã khống chế cơ bản dịch tả lợn Châu Phi, không thiếu thịt lợn

Khánh Vũ LDO | 16/03/2020 12:39

Đến nay 99% số đã qua 30 ngày không phát sinh ổ dịch tả lợn Châu Phi mới, nhiều địa phương đã đủ điều kiện công bố hết dịch. Tổng đàn lợn cả nước đã đạt 74% so với trước khi có dịch.

Theo Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – NNPTNT), đến ngày 10.3.2020, tổng đàn lợn của cả nước đạt gần 24 triệu con, gần bằng 74% so với tổng đàn lợn trước khi có bệnh dịch tả lợn Châu Phi (khoảng 31 triệu con vào tháng 12.2018). 

“Năng lực chăn nuôi hiện nay rất cao, cơ sở vật chất và chuồng trại vẫn còn. Trong quá trình chống dịch hình thành được các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học có thể nhân rộng trong điều kiện sản xuất ở các địa phương, trang trại, gia trại… Với những yếu tố đó, các tỉnh cần tập trung cho tái đàn, các doanh nghiệp đẩy mạnh tăng đàn trong thời điểm hiện nay” – Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Văn Long - Phó Cục trưởng Cục Thú y, đến thời điểm này, có 9 tỉnh, thành phố có tổng đàn lợn bằng hoặc cao hơn trước khi có bệnh dịch tả lợn Châu Phi, bao gồm: Yên Bái, Hòa Bình, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Phước, Tây Ninh, và Cà Mau… với tổng  đàn lợn của các địa phương này là 3,64 triệu con.

Có 21 tỉnh, thành phố có tổng đàn đạt từ 80-99% so với trước khi có bệnh dịch tả lợn Châu Phi, bao gồm nhiều tỉnh trọng điểm về chăn nuôi lợn như: Nam Định, Hà Giang, Tuyên Quang, Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ và Trà Vinh. Tổng đàn lợn của các địa phương này là 10,35 triệu con.

Nguồn cung thịt lợn vẫn dồi dào, tuy nhiên giá quá cao do qua nhiều khâu trung gian trước khi đến tay người tiêu dùng. Ảnh: Kh.V

Nhiều địa phương đã nuôi tái đàn thành công, như: Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định, Thanh Hóa, Bình Định, Đồng Nai,... “Điều này khẳng định việc nuôi tái đàn đã có kết quả, lượng thịt lợn đủ cung ứng cho nhu cầu của các địa phương, thậm chí có thể cung cấp cho cả các địa phương xung quanh”- ông Trần Văn Long nhấn mạnh.

Trao đổi với PV Lao Động, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết: Theo văn bản chỉ đạo ngày 12.3, Thủ tướng yêu cầu Bộ NNPTNT phối hợp cùng Bộ Công Thương một mặt đưa giá thịt lợn xuống thấp hơn nữa, một mặt triển khai các giải pháp để đảm bảo nguồn cung mặt hàng này.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ NNPTNT lập Đoàn kiểm tra liên ngành đi kiểm tra và làm việc với những doanh nghiệp sản xuất lớn thịt lợn trên cả nước như Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam, Công ty Cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam.

“Qua kiểm tra, chúng tôi đã nắm chi phí, giá thành sản xuất, đầu vào, đầu ra, cũng như việc bán ra đã hợp lý chưa, liệu có hiện tượng đầu cơ, găm hàng hay không. Từ đó, có những khuyến nghị với các nhà sản xuất lớn về mặt hàng thịt lợn cùng chung tay, chia sẻ trách nhiệm với Chính phủ và các cơ quan quản lý, người tiêu dùng, giảm giá thịt lợn, góp phần bình ổn thị trường” – ông Trần Duy Đông nói.

Cũng theo ông Trần Duy Đông, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với Bộ NNPTNT hỗ trợ các doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng thịt lợn đông lạnh, thịt lợn tươi sống để đảm bảo nguồn cung ổn định, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. 

Đàn lợn nái hiện còn 2,7 triệu con; đàn lợn cụ, kỵ, ông bà vẫn còn khoảng 109 nghìn con, tương đương 90% so với trước khi dịch tả lợn Châu Phi xảy ra. Do đó cơ bản đáp ứng đủ cho nhu cầu nhân giống phục vụ tái đàn lợn, không có chuyện thiếu con giống.

(Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến)

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn