MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh Hoàng Văn Minh

Đà Nẵng cấm bán hàng qua mạng, các chợ càng tập trung đông đúc

Hoàng Văn Minh LDO | 10/04/2020 16:02

Sau 10 ngày, chủ trương cấm các cửa hàng ăn uống, cấm bán qua mạng hoặc bán mang đi để chống lây lan của dịch COVID-19 ở Đà Nẵng đã bộc lộ nhiều bất cập.

Kể từ 0h ngày 1.4, UBND thành phố Đà Nẵng yêu cầu trong thời gian cách ly toàn xã hội 15 ngày, tất cả cửa hàng kinh doanh các mặt hàng không thiết yếu tạm dừng hoạt động; các cửa hàng ăn uống bán qua mạng hoặc bán mang đi, chỉ được phép hoạt động đến 0h ngày 2.4.

Trước đó, các quán ăn ở Đà Nẵng chỉ được yêu cầu tạm dừng phục vụ ăn uống tại chỗ kể từ 15h ngày 2.3 đến hết 1.4 và cho phép bán qua mạng, bán mang đi…

Các hàng quán ở Đà Nẵng đóng cửa vì lệnh cấm. Ảnh Hoàng Văn Minh

Về lệnh cấm bán mang đi, bán qua mạng, theo lý giải của ông Nguyễn Hà Bắc, Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng là vì dịch bệnh có thể lây lan trong trường hợp này, do thói quen của người dân lúc đứng đợi mua đồ ăn, thức uống mang về, nhất là trà sữa và càphê tại một địa điểm không đảm bảo khoảng cách an toàn, quá ồn ào. Ngoài ra, nhiều người không đeo khẩu trang, hoặc kéo khẩu trang xuống nói chuyện trong lúc mua hàng, nên khó có thể kiểm soát được.

Đặc biệt việc các hàng quán bán qua mạng, bán mang đi còn liên quan đến đội ngũ shipper, rất khó kiểm soát, gây ảnh hưởng tới công tác phòng chống dịch.

Theo ghi nhận của chúng tôi thì trong 10 ngày qua, hầu hết các cửa hàng ăn uống ở Đà Nẵng đã đóng cửa, chấp hành nghiêm chỉnh lệnh cấm của thành phố. Tuy nhiên, chủ trương này cũng gặp phải những dư luận trái chiều. Nhiều người ủng hộ chủ trương của thành phố và cách giải thích của ông Nguyễn Hà Bắc, xem đây là cách làm hay của Đà Nẵng.

Nhưng cũng có những ý kiến không đồng tình đến từ người dân và các hộ kinh doanh. Chị Kim Thoa – chủ một nhà hàng dê trên đường Lê Đại Hành cho biết: “Nhà hàng của tôi vận hành chủ yếu bằng vốn vay ngân hàng và mỗi tháng phải trả hơn 60 triệu tiền thuê mặt bằng. Trước đây khi chưa có lệnh cấm bán qua mạng, nhà hàng của tôi mỗi ngày bán được mấy chục suất qua các shipper nên còn cầm cự được. Tuy nhiên từ khi có lệnh cấm, nhà hàng buộc phải đóng cửa, vợ chồng tôi như ngồi trên đống lửa vì không biết lấy đâu ra tiền để trả tiền mặt bằng, trả nợ ngân hàng…”.

Đi chợ sẽ ít lây dịch hơn mua hàng qua mạng? Ảnh Hoàng Văn Minh

Chị Lệ, người dân trú ở Hòa An, Cẩm Lệ nói: "Tôi thấy chủ trương này bất cập, bởi nếu không có bán hàng mang về thì người dân sẽ ra đường đi chợ nhiều hơn và cũng tiềm ẩn nguy cơ lây dịch nhiều hơn. Nhiều hàng quán ăn uống phải đóng cửa theo lệnh, nhưng ngược lại, các cửa hàng, tiệm bánh mì trên địa bàn lại tấp nập khách hàng, người người chen chúc nhau để mua được vài ổ bánh mỳ về ăn sáng, càng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm hơn. 

Không chỉ vậy, những người dân, đặc biệt là người làm việc tại công sở như tôi cũng ít có sự lựa chọn hơn về thực phẩm trong thời gian cách ly xã hội".

Đáng nói là quy định cấm bán hàng qua mạng, hàng mang về của thành phố Đà Nẵng đã “tạo điều kiện” cho người dân đến các khu chợ nhiều hơn. Trong khi đáng ra, các khu chợ là địa điểm cần hạn chế đến bởi nguy cơ lây nhiễm dịch ở đây cao hơn rất nhiều so với các quán ăn bán hàng mang về hay đội ngũ shipper.

Sáng 10.4, chúng tôi có mặt tại chợ Hòa Mỹ (phường Hòa Mỹ, quận Liên Chiểu) ở sát bến xe trung tâm thành phố và ghi nhận cảnh chợ này vẫn mua bán tấp nập. “Tập trung đông như thế này, chị không sợ lây dịch à?”, chúng tôi đặt câu hỏi với chị Lan đang tới lui ở hàng thịt. “Sợ lắm nhưng nhà không còn thức ăn dự trữ. Những ngày đầu tôi còn ung dung vì rất nhiều thứ được shipper mang đến tận nhà, tuy nhiên 10 ngày nay, tôi phải liên tục đến chợ vì có lệnh cấm bán hàng qua mạng” – chị Lan nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn