MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Với quyết định nửa vời, Đà Nẵng bị doanh nghiệp khởi kiện đòi bồi thường 400 tỉ đồng. Ảnh: TT

Đà Nẵng: Doanh nghiệp khởi kiện TP, đòi bồi thường 400 tỉ đồng

THUỲ TRANG - HOÀNG VINH LDO | 08/06/2019 07:57

Cty CP Thép Dana - Ý đã có đơn khởi kiện UBND TP và Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, yêu cầu bồi thường 400 tỉ đồng về những thiệt hại do các quyết định của chính quyền thành phố (TP) về việc dừng hoạt động nhà máy này.

Khởi kiện vì không đạt được thỏa thuận

Đơn khởi kiện được Cty CP Thép Dana - Ý gửi TAND TP từ đầu năm 2019. Tuy nhiên, chính doanh nghiệp này đã yêu cầu tòa án tạm dừng thụ lý vụ án để hai bên thương lượng nhằm tìm giải pháp tối ưu nhất. Nhưng đến nay, ngày 6.6.2019, thời gian hòa giải theo quy định đã hết hiệu lực, hai bên vẫn chưa đạt được thoả thuận. Do đó, Cty CP Thép Dana - Ý đã tiến hành nộp án phí để TAND TP.Đà Nẵng tiếp tục thụ lý giải quyết.

Với nội dung khiếu kiện, doanh nghiệp này cho rằng, các quyết định hành chính của TP đã xâm phạm quyền tự do kinh doanh, gây thiệt hại nghiêm trọng đến hoạt động của Cty.

Trong đơn khởi kiện, Cty CP Thép Dana - Ý yêu cầu giải quyết 4 nội dung với số tiền bồi thường là 400 tỉ đồng bao gồm: Hủy Công văn 1446 và buộc Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng bồi thường thiệt hại do việc thi hành nội dung của công văn này gây ra là hơn 109 tỉ đồng; UBND TP.Đà Nẵng phải bồi thường thiệt hại do việc thi hành thông báo số 30 gây ra là hơn 11 tỉ đồng.

Cty CP Thép Dana - Ý cũng buộc Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng bồi thường thiệt hại gây ra bởi hành vi không giải quyết việc người dân bao vây nhà máy thép là hơn 120 tỉ đồng, yêu cầu hủy một phần quyết định 5585 và buộc Chủ tịch UBND TP bồi thường thiệt hại gây ra bởi việc thực thi quyết định này là hơn 156 tỉ đồng.

Đà Nẵng đã sẵn sàng “hầu toà”?

Cty CP Thép Dana - Ý là một trong hai nhà máy thép thuộc thôn Vân Dương, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang đang bị UBND Đà Nẵng yêu cầu dừng hoạt động theo quyết định ngày 22.11.2018.

Sở Tài nguyên Môi trường (TNMT) TP.Đà Nẵng cho biết, thành phố ban hành 2 quyết định xử phạt 2 nhà máy Dana - Ý và Dana - Úc về các vấn đề môi trường như: Không thực hiện đúng báo cáo tác động môi trường, thiếu công tác xử lý chất thải gây hại… Trong đó, nhà máy thép Dana - Úc bị xử phạt 740 triệu đồng; Dana - Ý bị phạt 400 triệu đồng, cùng với hình thức xử phạt bổ sung là dừng hoạt động 6 tháng. Theo quyết định này, ngày 2.5.2019 sẽ hết thời hạn 6 tháng. Tuy nhiên, thành phố sẽ gia hạn thêm thời gian đóng cửa tiếp hai nhà máy nếu các vấn đề vi phạm chưa được khắc phục, nhưng không quá 24 tháng.

Riêng về vấn đề hai doanh nghiệp có thể khởi kiện Đà Nẵng, ông Tô Văn Hùng - Giám đốc Sở TNMT Đà Nẵng - cho biết, thành phố đã có tính toán, chủ động giao cho các sở, ngành xây dựng những kịch bản ứng phó với các tình huống có thể xảy ra như phải đối mặt với vụ khởi kiện hành chính.

Thế nhưng, Đà Nẵng sẽ đối diện thế nào với vụ kiện này khi mà câu chuyện hai nhà máy thép đã kéo dài từ nhiều năm nay nhưng phía “dùng dằng” lại ở chính quyền khi mãi vẫn chưa có kết luận cuối cùng. Bởi, từ năm 2016, khi hàng trăm hộ dân quanh nhà máy thép Dana - Ý và Dana - Úc liên tục chặn xe, bao vây nhà máy vì bức xúc trước tình trạng phải sống trong môi trường ô nhiễm kéo dài do bụi, xỉ thép từ hai nhà máy nhiều năm qua, chính quyền thành phố từng có kế hoạch di dời các hộ dân này ra khỏi khu vực trên.

Thế nhưng, tháng 3.2018, Đà Nẵng bất ngờ buộc hai nhà máy thép ngưng toàn bộ hoạt động, đồng thời lên kế hoạch di dời hai nhà máy ra khỏi khu dân cư thay vì di dời dân như trước. Đến ngày 22.11.2018, UBND TP tiếp tục ban hành quyết định xử phạt và đình chỉ hoạt động trên. Đến nay, số phận của hai nhà máy thép cùng hàng trăm hộ dân tại xã Hoà Liên vẫn đang bị treo lơ lửng khi Đà Nẵng chưa có bất kỳ thông tin gì thêm về kế hoạch di dời nhà máy.

Trong khi đó, để dẫn đến hàng loạt vi phạm về môi trường của hai nhà máy thép, có một phần lỗi ở chính quyền Đà Nẵng khi việc quản lý chưa chặt chẽ của các cơ quan chức năng. Đặc biệt, việc chồng lấn trong quy hoạch dân cư xen lẫn các nhà máy công nghiệp nặng là nguyên nhân chính dẫn đến những mâu thuẫn trong người dân và việc sản xuất của doanh nghiệp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn