MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sau 15 năm có quy hoạch, ga đường sắt Đà Nẵng hiện nay vẫn chưa được di dời gây ra nhiều hệ lụy về vấn đề an sinh, xã hội. Ảnh: PV

Đà Nẵng đốc thúc dự án ga đường sắt sau 15 năm chờ vốn

THUỲ TRANG LDO | 17/11/2019 09:00

Việc UBND TP.Đà Nẵng có đề xuất chủ trương thực hiện dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng và tái phát triển đô thị theo hình thức hợp tác công tư khiến người dân một lần nữa hy vọng có thể sớm giải quyết các vấn đề an sinh.

Thực ra, việc xây dựng mới ga đường sắt Đà Nẵng tại phường Hòa Khánh Nam và Hòa Minh, quận Liên Chiểu đã được công bố quy hoạch từ 2004. Thế nhưng sau 15 năm, người dân hiện vẫn đi không được, ở không xong, mòn mỏi chờ đợi tái định cư, còn cơ quan chính quyền thì loay hoay giải quyết hàng nghìn trường hợp xây dựng trái phép.

Trì hoãn 15 năm với nhiều hệ lụy

Dự án di dời ga Đà Nẵng ra khỏi nội thành đã được Bộ Chính trị (khóa IX) đồng ý, thống nhất chủ trương tại Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 16.10.2003 và được chính quyền thành phố tích cực triển khai. Đã 4 lần từ năm 2004 đến năm 2017, quy hoạch khu vực quận Liên Chiểu đã được công bố. Thế nhưng mọi thứ vẫn giậm chân tại chỗ, trong khi khu vực nhà ga hiện tại đã quá cũ kỹ, bất cập từ hạ tầng đến môi trường sống của người dân.

Tại kỳ họp HĐND tháng 7.2018, đại biểu phường Hoà Khánh Nam - nơi treo dự án nhà ga mới - đã bức xúc: Việc cấp thoát nước quá tải. Theo kế hoạch 10 năm trước, đường ống tại nhiều phường chỉ đủ cung cấp cho 400 hộ dân. Nay số dân đã trên 2.000 hộ, đường ống có làm xong cũng không đủ cho người dân dùng. Chưa hết, hệ thống thoát nước trên nhiều đoạn đường ở đây cũng xuống cấp nghiêm trọng nhưng không được sửa chữa. Mùa mưa, người dân lội bì bõm. Có nhà đông người, muốn tách hộ, tách đất nhưng lại vướng quy hoạch treo. Họ xin chính quyền thì chỉ nhận được câu trả lời “đợi dự án”.

Đặc biệt, với tâm lý chờ đợi đó, mỗi lần thành phố công bố quy hoạch là hàng trăm ngôi nhà được cơi nới, xây dựng trái phép lại mọc lên để “chạy” giải toả đền bù. Năm 2018, kết quả thanh tra phát hiện có 1.799 trường hợp xây dựng không phép tại khu vực trên. Trong đó, 451 hồ sơ đã được chuyển cho cơ quan Cảnh sát điều tra để làm rõ việc xây dựng, chuyển đổi đất trái phép.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu từng thông tin, con số nhà xây dựng trái phép ở khu vực dự án có thể lên đến 5.000 nhà. Đà Nẵng cảnh báo, nếu tình trạng xây dựng trái phép tại đây liên tục tăng và không kiểm soát được thì sẽ không đủ kinh phí đền bù giải toả để xây dựng ga đường sắt mới theo kế hoạch.

Mời gọi đầu tư hơn 10.000 tỉ đồng

Giữa tháng 11 vừa qua, Ban cán sự Đảng UBND Đà Nẵng đã có văn bản báo cáo Thường trực Thành uỷ xem xét, thống nhất chủ trương của UBND thành phố về việc thực hiện Dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng và tái phát triển đô thị theo hình thức BT.

Việc di dời ga đường sắt Đà Nẵng ra khỏi trung tâm thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đồng ý chủ trương từ năm 2016 là dự án dự án trọng điểm theo chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 43 về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tuy nhiên, theo hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, do nguồn kinh phí hạn chế, đoạn tuyến đường sắt khu vực miền Trung (Vinh đến Nha Trang) sẽ thực hiện sau, dự kiến năm 2035 mới chuẩn bị đầu tư. Vì vậy, sau thời gian làm việc với Chính phủ cùng các Bộ ban ngành liên quan, UBND thành phố đã thống nhất báo cáo Thường trực Thành ủy đồng ý chủ trương thực hiện dự án này theo hình thức BT để kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước cùng thực hiện.

Với phương án này, dự án sẽ gồm 2 tiểu dự án là di dời ga đường sắt Đà Nẵng và tái phát triển đô thị thực hiện đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BT với quỹ đất hoàn trả cho dự án dự kiến tại khu vực nhà ga cũ, khu vực xung quanh nhà ga mới, 2 bên tuyến hành lang đường sắt cũ và quỹ đất khác của thành phố. Nhà đầu tư có trách nhiệm thực hiện các dự án trên các khu đất hoàn trả đó theo đúng quy hoạch của thành phố với mức đầu tư là hơn 10.000 tỉ đồng. Tiểu dự án 2 là đền bù giải tỏa phục vụ dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng và tái phát triển đô thị với mức 2.400 tỉ đồng sử dụng nguồn vốn ngân sách thành phố.

Đại diện Sở KHĐT Đà Nẵng cho hay, với sự chuẩn bị về phương án này, Đà Nẵng hy vọng có thể thúc đẩy dự án sớm triển khai, giải quyết các vấn đề an sinh, xã hội cũng như tạo động lực phát triển cho thành phố theo đúng tinh thần của Bộ Chính trị.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn