MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khu Công nghệ cao Đà Nẵng đang còn nhiều tiềm năng mà thành phố nên chủ động tiếp cận, mời doanh nghiệp về đầu tư. Ảnh: Thùy Trang

Đà Nẵng nên chủ động tiếp cận, liên kết vùng thu hút đầu tư công nghệ cao

THÙY TRANG LDO | 09/05/2023 10:48

Đà Nẵng là 1 trong 3 khu công nghệ cao trên cả nước, tuy nhiên việc hình thành muộn hơn và mất vài năm do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 khiến việc thu hút doanh nghiệp vào thành phố chưa được như kỳ vọng.

Trong 4 tháng đầu năm 2023, về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), TP Đà Nẵng có 39 dự án FDI cấp mới chứng nhận, vốn đăng ký đạt 6,092 triệu USD (so với cùng kỳ tăng 29 dự án nhưng chỉ tăng 0,9% vốn đăng ký); có 12 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn mua cổ phần, phần vốn góp đạt 2,369 triệu USD (so với cùng kỳ tăng 1 dự án nhưng chỉ bằng 4,6% giá trị vốn góp); 10 dự án xin điều chỉnh vốn, phần vốn điều chỉnh tăng thêm 9,010 triệu USD (so với cùng kỳ tăng 4 dự án và cao gấp 6,4 lần giá trị vốn tăng thêm).

Tính chung 4 tháng, tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm, bao gồm cả vốn góp mua cổ phần của khu vực FDI đạt 17,471 triệu USD, bằng 29,6% cùng kỳ năm 2022.

Đà Nẵng hiện có 1 trong 3 khu công nghệ cao của cả nước, được kỳ vọng sẽ thu hút đầu tư FDI cho thành phố. Tuy nhiên đến nay, Khu Công nghệ cao Đà Nẵng mới thu hút được 29 dự án đầu tư.

Ông Nguyễn Thanh Hòa - Phó Tổng Giám đốc Công ty KPMG - đơn vị tư vấn và đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cho biết, hiện tỷ lệ lấp đầy ở Khu Công nghệ cao tại TPHCM là hơn 90 - 95%.

Trong khi đó, mặc dù tỉ lệ lấp đầy tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng còn rất thấp nhưng đó cũng là lợi thế để Đà Nẵng thu hút các nhà đầu tư từ những khu công nghệ cao khác ở Việt Nam.

Cụ thể là tại TPHCM, khi doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư mở rộng tại Việt Nam thì nguyên tắc là họ sẽ rất muốn lựa chọn những khu công nghệ cao tương tự. Và Đà Nẵng đang có một nơi như vậy trong khi xung quanh TPHCM hiện nay không có khu công nghệ cao nào khác.

Việc Đà Nẵng hiện chưa thu hút đầu tư vào khu công nghệ cao như kỳ vọng, ông Hòa cho rằng là do yếu tố thời gian. Khu Công nghệ cao Đà Nẵng mới ra đời dưới 10 năm, trong bối cảnh khu vực miền Trung là nơi vốn có tỉ lệ đầu tư nước ngoài thấp hơn nhiều so với khu vực miền Nam hay Bắc, thêm ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến thành phố mất mấy năm chống dịch, khắc phục sau dịch bệnh. 

 Đà Nẵng cần tích cực tiếp cận các nhà đầu tư, doanh nghiệp đang hoạt động tại các khu công nghệ cao khác để tìm kiếm cơ hội. Ảnh: Thùy Trang

Ngoài ra, nhà đầu tư luôn cân nhắc những nơi nào có chính sách ưu đãi về đầu tư tốt cho họ. Tại khu vực miền Nam, cụ thể là Khu Công nghệ cao TPHCM hoặc là những vùng lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu... mặc dù các địa phương không có khu công nghệ cao, tuy nhiên họ vẫn có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp công nghệ cao nên dễ dàng thu hút nhà đầu tư hơn. 

“Đà Nẵng cần có chính sách đồng bộ và cần kết hợp những địa phương lân cận chứ không thể chỉ dựa vào một nỗ lực riêng của Đà Nẵng được.

Bên cạnh đó, thành phố cần tiếp cận với nhà đầu tư nước ngoài bằng cách trực tiếp đến các khu công nghệ cao ở hai đầu đất nước, tổ chức những hội thảo để thu hút những nhà đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại địa bàn đó, để họ đầu tư vào chính khu của mình, thay vì mình cứ ngồi im tại chỗ đợi mà làm mất đi rất nhiều cơ hội” - ông Hòa gợi ý.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn