MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đà Nẵng: Nhiều tuyến xe buýt phải "chạy gió" vì không có khách

THUỲ TRANG LDO | 31/05/2019 11:02

Xe buýt Đà Nẵng chính thức đi vào hoạt động từ tháng 12.2016. Sau nhiều lần điều chỉnh lộ trình và tăng các tuyến xe chạy cả trong nội đô và ngoại thành, thế nhưng đến nay, người dân vẫn chưa mặn mà với loại hình xe buýt.

Ngay từ khi đi vào hoạt động, bản thân hệ thống xe buýt Đà Nẵng đã bộc lộ nhiều bất cập như việc đặt các điểm đón, trả khách chưa hợp lý, sự kết nối của các tuyến còn quá hạn chế.

 Xe buýt Đà Nẵng đìu hiu, lác đác vài khách dù chạy tuyến nội đô

"Xe buýt hiện nay chủ yếu phục cho học sinh, sinh viên và người già. Số lượng xe đông khách chỉ có vài tuyến. Còn lại, mỗi ngày các chuyến xe chỉ có khoảng 10 khách. Thậm chí có lúc xe chạy không là điều bình thường” – anh N. T, một nhân viên xe buýt nói.

Còn với người dân sử dụng, chị Thanh Hoa (Thanh Khê) cho hay: “Tôi đã từng sử dụng xe buýt đi từ nhà đến cơ quan, rất tốt nhưng để di chuyển từ nơi làm việc để đi siêu thị hay đón con thì lại không có chuyến xe nào để đón. Hệ thống xe còn hạn chế khiến người dân sử dụng xe cá nhân vẫn tiện lợi hơn”.

 Những điểm chờ xe buýt vắng hoe

Từ thực tế đó, chuyên gia quy hoạch cũng chỉ ra rằng, điểm mấu chốt của việc người dân chưa mặn mà với loại hình giao thông công cộng xe buýt là do sự quản lý thiếu đồng bộ. Bởi, phương tiện giao thông cá nhân mà đặc biệt là xe máy hiện nay vẫn đang tiện ích hơn rất nhiều các loại hình khác thì người dân ngó lơ xe buýt là phải.

Với 13 tuyến xe trong đó có 5 tuyến trợ giá khi đưa vào vận hành, Đà Nẵng từng mong muốn loại hình phuơng tiện công cộng này sẽ giúp giảm ùn tắc giao thông trong tương lai.

Thế nhưng, kiến trúc sư Hồ Phước Phương - Hội Quy hoạch Đà Nẵng nhận định, việc ách tắc giao thông ngày càng xảy ra ở nhiều nơi kể cả nội đô và ngoại thành Đà Nẵng không phải do khổ đường Đà Nẵng thiếu mà là chúng ta không lường được số lượng xe ô tô tăng cao như vậy. Tức là việc quản lý phương tiện cá nhân gần như đang bị “bỏ mặc”.

 Dù xe buýt đã có mặt ở các trục đường trung tâm nhưng người dân vẫn chưa mặn mà vì chưa thấy tiện ích.

“Ngay cả Singapore cũng sử dụng khổ đường như chúng ta nhưng cơ bản người ta quản lý lượng xe có hạn, qui định chỉ cho đăng kí 5.000 xe là đúng 5.000 xe, người dân muốn mua xe phải đăng kí chờ.

Vậy nên, cần sớm quản lý chặt xe cá nhân, đồng thời phát triển hệ thống giao thông công cộng. Phải làm sao người dân bước ra đường là thấy xe buýt chạy dập dìu, các điểm đón trả khách thuận tiện. Đặc biệt, hệ thống này phải được thực hiện đồng bộ, không làm nháp, thử nghiệm để tránh lãng phí như hiện nay. Bởi, nơi có nhu cầu dùng thì không có, nơi thì xe cứ chạy “gió”.

Giao thông công cộng là người dân muốn đi bất kì đâu cũng có thể bước lên xe buýt được chứ không thể số lượng có hạn, điểm đón trả có hạn như hiện nay. Khi hệ thống xe công cộng phát triển, khi người dân thấy tiện lợi thì tự khắc họ sẽ sử dụng, vấn đề ách tắc giao thông được giải quyết” – ông Phương chia sẻ.

 Cả xe chỉ có một vị khách là tình trạng không hề hiếm gặp với xe buýt Đà Nẵng

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn