MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hơn 4.500 chai rượu lậu bị chặn tại Đà Nẵng trên đường vào Nam tiêu thụ dịp Tết. Ảnh: P.V

Đà Nẵng: Ra quân chống buôn lậu dịp cận Tết

Thuỳ Trang LDO | 31/12/2019 13:35

Phòng Cảnh sát Kinh tế (CSKT) Công an TP.Đà Nẵng cho biết, chỉ trong đợt cao điểm ra quân trấn áp tội phạm buôn lậu cuối năm 2019, đơn vị đã thu giữ hàng nghìn chai rượu giả, mỹ phẩm, quần áo, thuốc lá… trị giá trên 10 tỉ đồng. Đây đều là số hàng hoá được tuồn vào Đà Nẵng hoặc trung chuyển để đưa về các tỉnh thành khác tiêu thụ dịp cận Tết.

Tuồn hàng nghìn chai rượu lậu tiêu thụ Tết

Giữa tháng 12 vừa qua, Phòng CSKT đã bắt giữ xe đầu kéo 12C-028.22 vận chuyển số lượng lớn rượu ngoại nhập lậu từ Quảng Trị vào Nam khi vừa qua khỏi hầm đường bộ Nam Hải Vân. Theo lời khai của tài xế Võ Đức Thắng (1978, quê Khánh Hòa), trên xe có hơn 1.000 kiện hàng với hơn 4.500 chai rượu các loại Chivas Regal, Maccalan, Penfolds. Chủ xe của 2 tài xế đã nhận chở thuê cho một người không rõ tên từ Lao Bảo, Quảng Trị đi TPHCM để tiêu thụ trong dịp Tết sắp tới với giá chở thuê 100.000 đồng/kiện hàng. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng xác định toàn bộ số hàng này không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, không dán tem nhập khẩu và ước tính trị giá trên 7 tỉ đồng.

Trước đó, cũng trong tháng 12, Phòng CSKT phát hiện, tạm giữ 233 kiện hàng gồm quần áo, giày dép, túi xách, mỹ phẩm, linh kiện điện tử không có hoá đơn chứng từ với giá trị trên 5 tỉ đồng. Đáng nói, số hàng này được vận chuyển qua đường bưu điện.

Hành vi buôn lậu tinh vi

Phòng CSKT Đà Nẵng cho biết, với số lượng hàng có giá trị trên 10 tỉ đồng bắt được thời gian qua, đơn vị nhận thấy hiện nay các đối tượng buôn bán hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhập lậu, nhập khẩu qua Việt Nam không chỉ qua các con đường thông thường như đường bộ, xe tải, xe khách mà qua đường bưu điện. Đây là cách gửi hàng hoá có mức phí cao nhưng lại có lợi thế bởi các cơ quan chức năng thường ngại kiểm tra do có liên quan đến luật bưu tín, điện tín và các đơn vị vận chuyển thường ít hợp tác.

“Như vụ việc 233 kiện hàng vừa qua, các chủ hàng sẽ đến các bưu cục của Viettel để gửi hàng đi các tỉnh, sau đó đơn vị vận chuyển đưa về Đà Nẵng tập trung rồi mới chuyển đi các tỉnh thành trong khu vực. Vì vậy, bình thường nếu các cơ quan chức năng ở các nơi có bắt thì chỉ bắt được vài kiện hàng, trong khi đó, mỗi ngày các chủ hàng này gửi đi khắp cả nước hàng trăm kiện như vậy khiến hàng hoá nhập lậu, thẩm lậu vào nước ta rất lớn, đặc biệt dịp cận Tết” - đại diện Phòng CSKT Đà Nẵng cho hay.

Riêng vụ 4.500 chai rượu giả, CSKT Đà Nẵng đã phải mất hơn 2 tháng để theo dõi thông tin các đối tượng đưa hàng từ Lào qua cửa khẩu tại Quảng Trị, tập kết lại rồi vận chuyển vào TPHCM bằng đường bộ để tiêu thụ.

“Dịp Tết là lúc tình hình buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng giả, gian lận thương mại tăng cao. Đặc biệt, tội phạm đang thay đổi phương thức, chúng ta nghĩ rằng các đối tượng sẽ vận chuyển hàng ban đêm hay ngày nghỉ, lúc các lực lượng chức năng ít làm việc nhưng hiện nay, bất kể giờ nào, từ thứ 2 đến chủ nhật các đối tượng đều hoạt động. Với số lượng hàng giả, hàng lậu bị bắt thời gian qua nếu được tuồn vào trót lọt và tiêu thụ tại địa phương sẽ ảnh hưởng đến kinh tế cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp do giá thành của các mặt hàng giả rất rẻ” - Phòng CSKT Đà Nẵng cho hay.

Được biết từ tháng 11.2019 - 2.2020, Công an TP.Đà Nẵng đang mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp các loại tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự. Trong đó, việc ngăn chặn hàng giả, hàng buôn lậu cũng không nằm ngoại lệ khi nhiều lực lượng từ CSKT đến Cảnh sát Giao thông các quận huyện đều đồng loạt ra quân, bắt giữ nhiều lô hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn