MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Không chỉ công nghiệp, ngành xây dựng và bất động sản tại Đà Nẵng cũng sụt giảm trong 6 tháng đầu năm 2023. Ảnh: Thùy Trang

Đà Nẵng tăng trưởng thấp do cạnh tranh điểm đến, bất động sản giảm sâu

THÙY TRANG LDO | 01/07/2023 12:35

So sánh với Khánh Hòa, Đà Nẵng phục hồi công nghiệp chưa tốt, việc này khiến cho cơ cấu kinh tế thành phố ngày càng lệch, tăng trưởng thấp. Chưa hết, ngay trong ngành du lịch, Đà Nẵng cũng bị cạnh tranh với các điểm đến khác ngay trong mùa du lịch hè này.

This browser does not support the video element.

Ông Trần Văn Vũ - Cục trưởng Cục Thống kê thành phố - trao đổi về bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm 2023 của Đà Nẵng. Clip: Thùy Trang

6 tháng đầu năm 2023, GRDP của TP Đà Nẵng ước tăng 3,74% so với cùng kỳ năm 2022, thấp hơn mức tăng 7,23% của 6 tháng đầu năm 2022. Đây là mức tăng khá thấp khi so sánh với các địa phương khác trong khu vực miền Trung có kinh tế tương đồng.

Lý giải về điều này, ông Trần Văn Vũ - Cục trường Cục Thống kê Đà Nẵng - cho biết, trong cơ cấu kinh tế của Đà Nẵng thì nông - lâm - thủy sản chiếm từ 2 đến 3%. Đây là tỉ lệ rất thấp nên dù 6 tháng đầu năm 2023, lĩnh vực này có tăng cũng không làm biến động cơ cấu nền kinh tế. Trong khi đó, ngành công nghiệp, dịch vụ chiếm tỉ lệ cao, nên một thay đổi cũng làm dịch chuyển cơ cấu cả nền kinh tế.

Và kinh tế 6 tháng đầu năm 2023, mặc dù Đà Nẵng có nét tương đồng với một số tỉnh thành nhưng mức tăng trưởng lại khác nhau.

Ông Vũ phân tích, lấy ví dụ như tỉnh Khánh Hòa 6 tháng đầu năm 2023 kinh tế tăng trưởng 7,82% đứng thứ 9/63 tỉnh thành. Trong khi Đà Nẵng tăng 3,47%, đứng thứ 46/63 tỉnh.

Nguyên do là bởi, tỉnh Khánh Hòa không thua kém Đà Nẵng trong cạnh tranh điểm đến, ngay trong ngành du lịch dịch vụ. Bởi, khi Đà Nẵng có lễ hội pháo hoa quốc tế thì ngay sau đó tỉnh Khánh Hòa khai mạc lễ hội biển và lần đầu tiên tổ chức lễ hội ánh sáng đẹp nhất Châu Á - một sự kiện mang lại sự mới mẻ và cạnh tranh điểm đến rất tốt so với lễ hội pháo hoa đã được tổ chức nhiều lần như Đà Nẵng.

Đà Nẵng đang bị cạnh tranh cả trong ngành du lịch. Ảnh: Thùy Trang

Một vấn đề nữa khi so sánh với Khánh Hòa có thể thấy, ngành công nghiệp của họ tăng trưởng 6%, trong khi Đà Nẵng bị sụt giảm, chứng tỏ khả năng phục hồi công nghiệp của họ tốt hơn.

Cơ cấu kinh tế Đà Nẵng đang có chiều hướng dịch chuyển không theo Nghị quyết 43 là nông - lâm - thủy sản từ 2 đến 3%, công nghiệp xây dựng 23-25%, thương mại dịch vụ là 62-63%. Tuy nhiên đến nay, công nghiệp xây dựng chỉ còn 18%, thương mại dịch vụ thì tăng từ 68% từ cuối năm ngoái nay lên 69%.

Trong 21 ngành kinh tế cấp 1 tại Đà Nẵng thì công nghiệp chế biến chế tạo chiếm tỉ trọng cao thì lại giảm. Trong khi đó, Khánh Hòa lại tăng nên họ sẽ vượt trội ngay.

Điều này cũng không phải chính quyền quản lý chưa tốt, các sở ngành tại Đà Nẵng thời gian qua cũng đã tập trung hỗ trợ nhưng việc phục hồi này chủ yếu là do doanh nghiệp và ngành công nghiệp cũng không thể một sớm một chiều phục hồi ngay, việc đầu tư cần nhiều yếu tố.

Nhiều công trình tại Đà Nẵng ngừng thi công sau dịch bệnh. Ảnh: Thùy Trang

“Ngành thứ 2 giảm mạnh là xây dựng. Trước dịch, người dân xây nhà nhiều nhưng giờ thì chẳng có mấy công trình nào hoạt động. Ngành thứ 3 ảnh hưởng đến kinh tế Đà Nẵng là hoạt động kinh doanh bất động sản, giảm 25%. Như vậy, 3 ngành này lâu nay luôn quyết định tăng trưởng công nghiệp - xây dựng Đà Nẵng thì nay đều giảm nên tác động rất lớn đến nền kinh tế.

Dù vậy, đây chưa phải là tình hình quá xấu, Đà Nẵng hoàn toàn có thể trở lại đà tăng trưởng nếu tập trung vào những ngành nghề trên để hỗ trợ doanh nghiệp trong 6 tháng cuối năm phục hồi” - ông Vũ cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn