MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều doanh nghiệp chuẩn bị các loại hàng hóa độc đáo phục vụ Tết. Ảnh: Vũ Long

Đã sẵn sàng lượng lớn hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân mua sắm Tết

Vũ Long LDO | 17/12/2023 19:21

Chỉ còn gần 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán 2024, nhiều địa phương đã sẵn sàng hàng hóa và các chương trình kích cầu để phục vụ người dân mua sắm Tết an toàn, đầy đủ.

Dồi dào số lượng và chủng loại hàng hóa phục vụ Tết

Chia sẻ với PV Lao Động, bà Lê Việt Nga – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, bà đang trong chuyến công tác khảo sát nguồn hàng và khâu chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết.

"Thực tế cho thấy nguồn hàng phục vụ Tết Nguyên đán 2024 rất dồi dào không chỉ về số lượng mà còn phong phú chủng loại. Năm nay thời tiết thuận lợi nên các mặt hàng đều cho sản lượng tốt. Chúng tôi đang thị sát tại Đắk Nông và thấy nguồn hàng rất dồi dào” – bà Lê Việt Nga nói.

Bà Lê Việt Nga kiểm tra công tác chuẩn bị hàng hóa Tết tại Đắk Nông. Ảnh: Ngô Thủy

Đặc biệt, các mặt hàng thiết yếu rất dồi dào, thoải mái để người dân mua sắm. Thậm chí nguồn cung rất nhiều nên các thành phố lớn đang đẩy mạnh kích cầu để tăng sức mua” – bà Lê Việt Nga chia sẻ thêm.

Là thành phố đông dân nhất cả nước, các doanh nghiệp (DN) tại TPHCM đã chuẩn bị trên 22.000 tỉ đồng để chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Giáp Thìn 2024, trong đó trên 8.500 tỉ đồng chuẩn bị hàng hóa bình ổn thị trường.

Ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM - cho hay: Có 45 doanh nghiệp tham gia cung ứng, phân phối các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán và là đầu mối của nhiều chuỗi cung ứng hàng hóa từ sản xuất đến lưu thông, phân phối.

Các doanh nghiệp đã sẵn sàng hàng hóa phục vụ Tết. Ảnh: Vũ Long

Sở Công Thương Gia Lai đã đôn đốc doanh nghiệp đầu mối, siêu thị, đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn chuẩn bị nguồn hàng, có kế hoạch phân bổ hàng cho đại lý trực thuộc nhằm phục vụ nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của nhân dân, không để thiếu hàng, sốt giá; có kế hoạch tập kết hàng hóa về kho dự trữ trong tháng 12.2023, trong đó tập trung các mặt hàng thiết yếu; yêu cầu các siêu thị, doanh nghiệp kinh doanh thương mại tích cực phối hợp tham gia chương trình đưa hàng Việt thiết yếu về nông thôn nhằm đáp ứng tốt nhu cầu và quyền lợi người tiêu dùng…

Từ nhiều tháng trước, Hà Nội đã chủ động kế hoạch sản xuất bảo đảm nguồn cung đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn thành phố. Để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân dịp Tết 2024, Hà Nội đã lên phương án chuẩn bị khoảng 40.900 tỉ đồng, tăng 10% so với thực hiện Tết năm 2023.

Theo Bộ Công Thương, không chỉ tại các thành phố "đầu tàu" như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Bình Dương..., đến thời điểm này cả nước đã chủ động nguồn hàng phục vụ người dân mua sắm Tết an toàn, hiệu quả.

Không để hàng kém chất lượng trà trộn lừa người lao động nghèo

Bà Trần Thị Phương Lan - quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - chia sẻ: Không chỉ triển khai các chương trình khuyến mãi để kích cầu tiêu dùng, không để đứt hàng, khan hàng khiến giá cả bị đẩy lên cao, sở sẽ triển khai tổ chức các điểm bán hàng, các chuyến bán hàng phục vụ Tết tại các huyện, các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực nông thôn để người dân có thể mua sắm hàng đúng giá, đảm bảo chất lượng.

Tìm hiểu của Lao Động cho thấy, hầu hết các sở công thương đều tổ chức các điểm bán hàng Tết lưu động để phục vụ bà con. Điều này góp phần đảm bảo nguồn hàng, không gian thương mang hàng hóa kém chất lượng trà trộn lừa bà con, nhất là bà con vùng sâu, vùng xa.

Dự kiến sức mua năm nay có thể tăng trên 10% so với cùng kỳ năm trước. Nguồn cung các mặt hàng thiết yếu cũng được các doanh nghiệp chủ động chuẩn bị từ rất sớm với lượng hàng dự trữ tăng từ 10 - 25% so với cùng kỳ. Trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, để kích cầu tiêu dùng trong nước, nhiều doanh nghiệp đã có kế hoạch triển khai các chương trình khuyến mãi, giảm giá nhiều sản phẩm tiêu dùng thiết yếu, nhất là trong tháng cận Tết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn