MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại dịch bùng phát vẫn chưa ảnh hưởng đến đà tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng. Ảnh: Duy Quang

Đà tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng vẫn khả quan dù dịch bùng phát

Gia Miêu LDO | 25/06/2021 12:33

Mặc dù đại dịch COVID-19 bùng phát, tuy nhiên tác động của dịch bệnh thường có độ trễ, do đó, các dự báo đều đưa ra tín hiệu lạc quan đối với lợi nhuận của ngành ngân hàng trong quý II/2021.

Theo Ngân hàng Nhà nước, tín dụng 6 tháng đầu năm nay ước tăng 5,5 - 6% và khả năng tín dụng cả năm tăng ở mức 12% là trong tầm tay, thậm chí có thể mở rộng thêm. So với các ngân hàng có vốn nhà nước chi phối, nhóm ngân hàng cổ phần tư nhân được đánh giá có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao hơn nhờ sự linh hoạt và có nguồn lực tốt.

Ngoài ra, áp lực giảm lãi suất đầu ra cũng thấp hơn giúp cho nhóm này giữ được biên lãi ròng (NIM) cao và tiếp tục ghi nhận tăng trưởng khả quan từ thu nhập lãi thuần.

Đơn cử, tại Ngân hàng MSB, sau 5 tháng đầu năm 2021, lợi nhuận trước thuế ngân hàng này đạt hơn 2.200 tỉ đồng, tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2020 và hoàn thành 68% kế hoạch năm 2021, được đóng góp chủ yếu từ thu nhập lãi thuần gần 2.500 tỉ đồng và thu nhập ngoài lãi hơn 1.200 tỉ đồng, tăng lần lượt 79% và 64% so với cùng kỳ năm trước.

Lợi nhuận sau thuế năm 2021 của VPBank cũng được dự báo có thể tăng 35,3% lên mức 14.100 tỉ đồng. Dự báo này được đưa ra dựa trên giả định VPBank chào bán cổ phần của “con gà đẻ trứng vàng” FE Credit cho một nhà đầu tư chiến lược mà nhiều khả năng là đối tác đến từ Nhật theo nhiều giai đoạn.

Theo dự báo của FiinGroup, năm 2021, lợi nhuận kế toán của 12/26 ngân hàng niêm yết (chiếm 86,3% vốn hóa của khối ngân hàng) sẽ tăng cao hơn so với năm 2020 (18,2% so với 14,9%). Triển vọng tích cực này đến từ cả hoạt động tín dụng và dịch vụ, trong đó mảng bán chéo bảo hiểm của nhiều ngân hàng gồm VCB, CTG, ACB, MSB và HDB được kỳ vọng cao.

Còn theo ước tính của SSI Research, thu nhập lãi thuần của ngân hàng 2021 sẽ cao hơn 15% so với năm 2020, trong khi tín dụng tăng 12 - 13%. Bên cạnh đó, thu nhập ngoài lãi năm nay cũng tiếp tục tăng khoảng 8,7% so với năm 2020 do thu nhập thuần từ phí phục hồi, tăng 19,2% so với cùng kỳ, bù đắp cho sự sụt giảm thu nhập từ hoạt động kinh doanh ngoại hối và trái phiếu chính phủ.

Đối với năm 2021, do kỳ vọng nền kinh tế phục hồi, nợ xấu mới sẽ giảm so với năm trước. Các ngân hàng thương mại quốc doanh có thể hưởng lợi nhiều hơn từ xu hướng này, vì đã xóa phần lớn tài sản có vấn đề (bao gồm trái phiếu VAMC) trong năm 2020.

Trong báo cáo chiến lược tháng 6.2021, nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng nhận định rằng, ngành ngân hàng sẽ chứng kiến một chu kỳ tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ trong năm nay, bất chấp dịch bệnh. Theo đó, mức tăng trưởng được dự báo đạt khoảng 27% với 2 yếu tố chính. Một là chính sách hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước nhằm giảm tác động của hậu quả dịch bệnh, duy trì mặt bằng lãi suất thấp cùng chính sách tiền tệ nới lỏng; hai là các yếu tố được thúc đẩy bởi dịch bệnh, ví dụ xu hướng cắt giảm mạnh chi phí.

Cũng theo VDSC, những thông tin liên quan tới việc phê duyệt hạn mức tín dụng mới tại một loạt ngân hàng tư nhân, các kế hoạch phát hành thêm, chia cổ tức để tăng vốn điều lệ, đặc biệt ở nhóm ngân hàng có vốn nhà nước chi phối, sẽ là những yếu tố tác động tới lợi nhuận của các ngân hàng trong thời gian tới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn