MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đại gia bán lẻ nội địa tham vọng mở thêm 1.200 cửa hàng

Thu Giang LDO | 03/05/2023 16:44
Doanh nghiệp bán lẻ nội địa đang chiếm từ 70 - 80% thị phần và có động thái liên tục tăng vốn đầu tư, nâng cấp mở rộng chuỗi để tăng trải nghiệm mới cho người tiêu dùng.

Sau khi đã vươn tới quy mô hơn 3.000 điểm bán, Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Tổng hợp WinCommerce mới đây cũng đặt mục tiêu mở thêm từ 800 - 1.200 cửa hàng ở khu vực thành thị, nông thôn trong thời gian tới.

Đơn vị này cũng dự kiến sẽ đạt doanh thu thuần khoảng 36.000 - 40.500 tỉ đồng trong năm 2023, tăng từ 23 - 38% so với năm 2022.

Theo bà Nguyễn Thị Phương - Tổng Giám đốc WinCommerce, doanh nghiệp sẽ tiếp tục phát triển các cửa hàng WinMart+ tại vùng ven và WIN tại các khu vực thành thị.

Cụ thể, mô hình cửa hàng này phục vụ tại khu vực nông thôn được thử nghiệm có mức doanh thu gia tăng từ 15 - 30% cho thấy tiềm năng phục vụ 65% dân số sống ở khu vực nông thôn.

Bán lẻ nội địa liên tục nâng cấp, mở rộng chuỗi cung ứng. Ảnh: Hải Nguyễn 

Thay vì mở rộng cửa hàng để tăng thị phần, năm 2023, hệ thống Saigon Co.op đặt mục tiêu doanh số tăng trưởng 4% so với cùng kỳ. 

Doanh nghiệp này cũng triển khai nhóm nhiệm vụ trọng tâm là cải tổ sâu và mạnh mẽ chiến lược hàng hoá, chiến lược giá, nâng cao lợi thế cạnh tranh, số hoá trong hoạt động quản lý, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu quả quản trị, đẩy mạnh, đa dạng hoá thương mại điện tử.

Khảo sát người tiêu dùng của Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2023 mới công bố cho thấy, vẫn có xu hướng chuyển dịch “cơ học” khách hàng từ chợ truyền thống hay các tiệm tạp hóa nhỏ lẻ sang các kênh bán lẻ hiện đại ở các đô thị. Kênh bán lẻ hiện đại đang cho thấy có hấp lực lớn đối với người tiêu dùng mua sắm nhóm hàng tiêu dùng nhanh (FMCG).

Kênh bán lẻ hiện đại đang thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng. Ảnh: Thế Lâm 

Bên cạnh đó, mua sắm đa kênh vẫn đang là xu hướng thịnh hành hiện tại cũng như trong tương lai. Người tiêu dùng hiện nay đang có xu hướng lựa chọn mua sắm thông qua sự kết hợp giữa phương thức truyền thống và kỹ thuật số.

Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - mới đây cho biết, các hệ thống phân phối của doanh nghiệp Việt Nam đang chiếm ưu thế cả về sự hiện diện ở các địa điểm cũng như là tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng. 

Dù vẫn là khối chiếm ưu thế nhưng theo bà Lê Việt Nga, các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam phải liên tục cải tiến, nắm bắt xu hướng tiêu dùng để giành lợi thế.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn