MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giá cả thị trường tại Điện Biên vẫn cao sau thời gian "khủng hoảng" do lượng khách du lịch tăng đột biến. Ảnh: Quang Đạt

Đại lễ qua đi, giá gạo Điện Biên chưa thể hạ nhiệt

QUANG ĐẠT - THANH BÌNH LDO | 26/05/2024 08:11

Do nhu cầu tăng đột biến khiến giá nhiều mặt hàng tại tỉnh Điện Biên đều tăng, trong đó có đặc sản gạo. Đến nay, gạo đặc sản vẫn cháy hàng và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Từ đầu năm 2024 đến nay, lượng khách du lịch đến Điện Biên tăng đột biến với hơn 1 triệu lượt khách. Do đó dẫn đến nhu cầu tiêu thụ nhiều mặt hàng nông sản, thực phẩm tăng cao, có thời điểm tăng 20-40%, đặc biệt là trong đầu tháng 3 đến trung tuần tháng 5 khi tỉnh Điện Biên tổ chức nhiều sự kiện lớn.

Đến nay, giá hầu hết mặt hàng nông sản, thực phẩm đã hạ nhiệt, riêng giá các loại gạo vẫn ở mức cao. Theo ghi nhận của phóng viên Báo Lao Động, giá một số loại rau phổ biến tại các chợ truyền thống trên địa bàn TP Điện Biên Phủ đã giảm so với thời điểm đầu tháng 5.

Giá rau xanh đã giảm nhiều sau thời gian lượng du khách đến Điện Biên tăng đột biến. Ảnh: Thanh Bình

Theo đó, giá rau muống giảm từ 5.000 đồng/bó xuống còn 3.000 đồng/bó, giá rau cải canh từ 12.000 - 15.000 đồng/kg, giá cà chua giảm từ 30.000 đồng/kg xuống còn 20.000 - 25.000 đồng/kg. Các loại rau gia vị giảm giá từ 20 - 40%; đặc biệt hành lá giảm từ 60.000 đồng/kg xuống 35.000 - 40.000 đồng/kg.

Một số tiểu thương cho biết, do nhu cầu tiêu thụ giảm đáng kể khi lượng khách đến Điện Biên không còn đông như dịp từ tháng 3-5 dẫn đến giá các loại, rau xanh, thực phẩm cũng giảm theo.

Bên cạnh đó, nhiều hộ dân trồng rau tại huyện Điện Biên - vùng chuyên canh rau lớn nhất của tỉnh Điện Biên cũng cho hay, từ đầu tháng 5 đến nay, đã có nhiều đợt mưa nên các loại rau xanh sinh trưởng tốt, năng suất cao hơn, đảm bảo nguồn cung dồi dào cho thị trường.

Giá một số loại rau phổ biến giảm 20-40% so với trước đây do nhu cầu tiêu thụ giảm trong khi nguồn cung dồi dào. Ảnh: Quang Đạt

Trái ngược với giá rau xanh và thực phẩm, giá các loại gạo tại Điện Biên vẫn đang ở mức cao và chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Theo khảo sát của phóng viên, ngày 25.5, tại các siêu thị ở trung tâm TP Điện Biên Phủ, giá gạo tẻ Hương Việt đang được niêm yết ở mức 26.000 đồng/kg; gạo nếp Hương Việt 39.000 đồng/kg và gạo Séng Cù 35.000 đồng/kg.

Trong khi, tại các chợ dân sinh ở TP Điện Biên Phủ, gạo Séng Cù ở mức giá 30.000 đồng/kg; gạo nếp nương 40.000 đồng/kg; gạo nếp cẩm 40.000 đồng/kg; gạo tám 20.000 đồng/kg.

Theo một số tiểu thương, nhiều nhà hàng, khách sạn đã mua sắm lượng lớn gạo để phục vụ du khách trong các dịp lễ vừa qua nên giá gạo tăng cao. Ngoài ra, hầu hết khách đến Điện Biên du lịch cũng có xu hướng mua gạo về làm quà.

Giá các loại gạo được niêm yết tại Siêu thị Tâm Đỏ (TP Điện Biên Phủ) sáng 25.5. Ảnh: Quang Đạt

Đại lý gạo Dung Chín tại chợ Trung tâm I (TP Điện Biên Phủ) cho rằng, giá gạo hiện tại vẫn ở mức cao do nguồn cung từ nông dân và các đại lý xay xát vẫn chưa ổn định mặc dù người dân đã thu hoạch vụ lúa mới.

Chiều 25.5, trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, đại diện Công ty gạo Trường Hương (Công ty CP Giống Nông nghiệp Trường Hương) - đơn vị cung cấp chủ yếu các loại gạo đặc sản Điện Biên ra thị trường - cho biết, công ty đang phải cho nhà máy tạm dừng hoạt động vì trong kho đang "cháy hàng".

"Từ hơn 10 ngày nay công ty đang ở trong tình trạng cháy hàng, hết nguồn nguyên liệu để xay xát. Trước đó, do nhu cầu tăng đột biến nên gạo sản xuất ra đến đâu hết đến đó. Mặc dù vậy, khi bán ra chúng tôi vẫn luôn duy trì 1 mức giá ổn định, không tăng giá. Còn giá thị trường tăng giảm phụ thuộc vào quan hệ cung - cầu" - đại diện Công ty gạo Trường Hương nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn