MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đắk Lắk là thủ phủ của hạt cà phê. Ảnh: Phan Tuấn

Đắk Lắk kết nối giao thương, mở đường tiêu thụ nông sản

Phan Tuấn LDO | 29/06/2022 17:27

Đắk Lắk là tỉnh có diện tích các loại cây công nghiệp, cây ăn quả được xếp vào hạng lớn nhất Tây Nguyên cũng như cả nước. Hiện nay, các ngành chức năng đang tổ chức nhiều chương trình kết nối giao thương, mở đường cho việc tiêu thụ nông sản.  

Theo thống kê, toàn tỉnh Đắk Lắk hiện có 210.000ha cà phê với sản lượng thu hoạch hằng năm đạt trên 560.000 tấn. Không chỉ là thủ phủ của cây cà phê, tỉnh Đắk Lắk còn có diện tích các loại cây hồ tiêu, cao su, bơ, sầu riêng... lớn hàng đầu ở khu vực.

Cụ thể, toàn tỉnh Đắk Lắk có 37.000ha hồ tiêu, sản lượng 78.000 tấn; 34.000ha cao su, sản lượng 37.000 tấn; 26.000ha điều, sản lượng 28.000 tấn…

Đối với cây ăn trái, cây vải có diện tích 632ha, sản lượng 2.600 tấn; bơ 8.900ha, sản lượng 80.000 tấn; sầu riêng 12.000ha, sản lượng 100.000 tấn; xoài 970ha, sản lượng 7.000 tấn…

Với nguồn cung lớn, các mặt hàng nông sản của tỉnh đã xuất khẩu đến 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đăc biệt, nhờ có uy tín, chất lượng nên nhiều mặt hàng đã thâm nhập được vào các thị trường lớn, đòi hỏi cao về tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm như: Mỹ, Hà Lan, Nhật Bản…

Tuy nhiên, khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh, nhiều quốc gia đã đóng cửa biên giới, thực hiện giãn cánh xã hội. Điều đó đã khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng nông sản đứt gãy chuỗi giá trị, số lượng đơn hàng của doanh nghiệp sụt giảm, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp.

Theo Sở Công Thương Đắk Lắk, để khắc phục tình trạng trên, ngay trong tháng 7.2022 này, Sở Công Thương Đắk Lắk sẽ phối hợp với Cục Xúc tiến Thương mại tổ chức Hội nghị kết nối giao thương giữa Nhà cung cấp khu vực Tây Nguyên với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại.

Chương trình nhằm quảng bá, kết nối, xúc tiến tiêu thụ các mặt hàng nông sản đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, các sản phẩm đạt chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, OCOP của các tỉnh Tây Nguyên. 

Lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk cho biết, dự kiến, chương trình kết nối giao thương sẽ có 60 - 100 doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia. 

Đây là dịp để các nhà cung cấp của các địa phương và doanh nghiệp xuất khẩu trên cả nước gặp gỡ, tìm hiểu thông tin thị trường, kết nối cung cầu hàng hóa. Từ đó, các doanh nghiệp sẽ đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối bán buôn, bán lẻ và phục vụ nhu cầu tiêu dùng đa dạng của người dân

Đối với doanh nghiệp, đây cũng là cơ hội để các họ tìm kiếm đối tác, thúc đẩy giao lưu và mở rộng hợp tác trong việc tiêu thụ nông sản. Qua đó, đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông, quảng bá các loại hàng hóa có thế mạnh để người tiêu dùng nhận biết và lựa chọn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn