MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều hộ dân nuôi lợn ở Đắk Lắk không dám tái đàn lợn vì tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ảnh: Bảo Trung

Đắk Lắk: Người nuôi cần cẩn trọng tái đàn heo

BẢO TRUNG LDO | 31/12/2019 11:00
Đắk Lắk nhiều năm nay là tỉnh có tổng đàn lợn lớn nhất khu vực Tây Nguyên. Trong đợt dịch tả lợn Châu Phi cách đây ít tháng, tỉnh đã tiêu hủy hơn 4 vạn con lợn, làm hơn 4.000 hộ dân bị thiệt hại nặng nề. Tuy giá thịt lợn đang tăng cao chưa từng có nhưng người dân tỉnh này vẫn thận trọng việc tăng đàn, tái đàn vì tiềm ẩn nhiều rủi ro...

Chậm rãi tăng đàn, tái đàn

Chị Nguyễn Thị Hường (ngụ xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) tâm sự: “Hiện trang trại nhà tôi còn gần 1.000 con lợn. Thời gian qua, giá thịt lợn dù tăng cao nhưng tôi cũng không dám tăng đàn nhiều vì hiện nay giá lợn giống đang rất cao. Dù trang trại không bị ảnh hưởng bởi đợt dịch tả lợn Châu Phi đợt vừa rồi nhưng tăng đàn sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, chẳng ai biết giá thịt lợn sắp đến sẽ biến động như thế nào.

Vả lại, lợn giống đang tầm khoảng hơn 10 triệu đồng/con (trước đây chỉ khoảng 3 triệu đồng/con) nên tăng đàn phải có tính toán, không thể vội vàng được. Từ nay đến Tết Nguyên đán, tôi dự tính chỉ tăng đàn lợn thêm 150 con để bán. Số lượng như vậy vừa an toàn, vừa tăng thêm thu nhập, không phải thấp thỏm lo âu”.

“Đợt dịch tả lợn Châu Phi vừa qua làm gia đình tôi mất trắng gần 100 con lợn, tổng trọng lượng gần 2 tấn, bao nhiêu vốn liếng mất sạch. Sau đợt dịch khoảng hơn 2 tháng, tôi vay mượn, đầu tư lại chuồng trại, tiêu độc khử trùng rất kỹ để tiến hành tái đàn nhưng cũng không dám nuôi số lượng lớn như trước, chỉ tầm khoảng 60 con để bán kiếm lời.

Sở dĩ tôi mạo hiểm tái đàn lợn là vì bản thân cũng nắm vững kỹ thuật nuôi và làm kỹ công tác phòng dịch bệnh. Những hộ dân nuôi lợn khác trong vùng đều không dám tái đàn vì hết vốn và sợ dịch tái phát” - ông Lê Ngọc Khẩn (ngụ xã Ea Tua, huyện Cư Kuin) cho biết. 

Thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cư Kuin, trong đợt dịch tả lợn Châu Phi vừa qua, cả 8 xã ở huyện này đều có ổ dịch và địa phương đã phải thiêu hủy gần 1.000 con lợn.

Ông Lê Văn Chính - Trưởng trạm Chăn nuôi Thú y huyện Cư Kuin - cho hay, địa bàn có hàng chục hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, công tác kiểm soát rất khó khăn. Nhưng đại đa số người dân chịu thiệt hại nặng do đợt dịch vừa qua cũng không “đánh liều” tái đàn, một số ít hộ tăng đàn thì đã được đơn vị giám sát, theo dõi nắm tình hình. Huyện còn khoảng hơn 45.000 con lợn, gần bằng số lượng năm 2018, đảm bảo đủ nguồn cung trong trước và sau Tết Nguyên đán.

Theo tìm hiểu, không chỉ các hộ dân trên địa bàn huyện Cư Kuin, người dân rất nhiều huyện, thị xã khác trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đều không mặn mà lắm với việc tái đàn lợn vì dịch tả lợn Châu Phi vừa mới chỉ lắng đi một thời gian ngắn. Tái đàn lúc này lợn sẽ rất dễ nhiễm bệnh trở lại. Dù giá thịt lợn tăng cao nhưng lãnh đạo địa phương cũng nhắc nhở bà con không nên tái đàn nếu trang trại không đạt chuẩn. Chỉ một số trang trại chưa bị nhiễm dịch trước đó, chủ trại mới tiến hành tăng đàn nhưng số lượng cũng không nhiều.

Người dân nên cẩn thận

Mới đây, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ra chỉ thị cho UBND các huyện, thị xã, thành phố phải thực hiện việc rà soát, thống kê, theo dõi tổng đàn lợn và nắm tình hình dịch bệnh. Đối với các cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, cơ sở chăn nuôi khép kín nếu thực hiện tốt các biện pháp an toàn sinh học (thức ăn, con giống…) tại những vùng bị dịch hoặc không có dịch nhưng đã qua 30 ngày không tái phát dịch thì cho phép thực hiện tái đàn nhưng phải đảm bảo con giống có nguồn gốc rõ ràng, có hồ sơ giống và thông tin liên quan. Nếu các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ có hệ thống chuồng trại tạm bợ, không đảm bảo an toàn chăn nuôi sinh học thì khuyến cáo không nên tái đàn.

Đại diện Chi cục Chăn nuôi Thú y tỉnh Đắk Lắk khuyến cáo, người dân không nên thấy giá thịt lợn đang tăng cao mà vội vã tăng đàn, tái đàn vì hiện có nhiều hộ dân đầu tư trang trại thiếu bài bản, không đạt chuẩn rất dễ để dịch bệnh tái phát. Ngoài ra, giá lợn giống đang rất cao, trong khi nguồn lợn giống ở Đắk Lắk không nhiều, chủ yếu nhập từ các tỉnh khác vào. Người dân nên cảnh giác kẻo mua phải lợn giống không rõ nguồn gốc, trôi nổi ngoài thị trường để rồi về nuôi một thời gian lại nhiễm bệnh, “tiền mất tật mang”.

Toàn tỉnh có khoảng hơn 100.000 hộ dân có hoạt động chăn nuôi ở khắp 152 xã. Đơn vị đang nghiên cứu, phối hợp với chính quyền địa phương khuyến khích người dân chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ, lẻ sang trang trại có đầu tư bài bản để tiện theo dõi, kiểm soát.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, hiện toàn tỉnh có hơn 800.000 con lợn, vì trong thời gian vừa qua, nhiều hộ đã tăng đàn để tăng thu nhập do giá thịt lợn cao. Mỗi năm, tỉnh duy trì đàn lợn ở mức hơn 700.000 con để đáp ứng đủ nguồn cầu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn