MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đắk Lắk phấn đấu đến năm 2026 hoàn thành đầu tư cơ bản dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột. Ảnh minh họa: Hữu Long

Đắk Lắk phấn đấu hoàn thành đầu tư dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột

Mai Hương - Phan Tuấn LDO | 28/10/2023 17:01

Thời gian qua, tại Đắk Lắk, sự hợp tác, liên kết vùng vẫn còn mang tính đơn lẻ, chưa khai thác, phát huy được hết tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương.

Hạn chế của việc phát triển liên kết vùng

Tại Hội nghị ngành Công Thương 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên lần thứ IX - năm 2023, ông Nguyễn Tuấn Hà - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, Đắk Lắk có tiềm năng phát triển công nghiệp, các sản phẩm nông sản của tỉnh là nguồn nguyên liệu dồi dào cho ngành công nghiệp chế biến và tiềm năng năng lượng nước, năng lượng mặt trời, năng lượng gió cho phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo.

Thời gian qua, ngành công nghiệp tỉnh được quan tâm phát triển, hướng đến mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Đắk Lắk cùng với cả nước cơ bản hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tỉ trọng công nghiệp trong GRDP đạt trên 38%, đóng vai trò, vị trí quan trọng trong phát triển nền kinh tế, xã hội của tỉnh.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Tuấn Hà cho hay, ngành công nghiệp chế biến nhất là chế biến các sản phẩm nông sản thời gian qua phát triển chưa tương xứng tiềm năng, việc ứng dụng công nghệ cao, chế biến sản phẩm chất lượng cao, chế biến sâu, tinh chế còn nhiều hạn chế (chỉ chiếm khoảng 10 - 20% sản lượng).

Phần lớn sản phẩm nông sản hiện nay được đưa đến thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước ở dạng thô. Tỷ lệ qua chế biến, nhất là chế biến sâu tạo giá trị gia tăng còn thấp.

Việc đầu tư cơ sở hạ tầng cho phát triển kinh tế xã hội nói chung, phát triển công nghiệp nói riêng còn hạn chế, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng logistics. Việc phát triển các vùng nguyên liệu có quy mô lớn, đảm bảo chất lượng cho phát triển các ngành công nghiệp chế biến còn hạn chế.

Hiệu quả hoạt động của các khu cụm công nghiệp chưa cao, chưa thu hút được các Dự án có quy mô đầu tư lớn, công nghệ tiên tiến, hiện đại; Phát triển công nghiệp hỗ trợ chưa đáp ứng được yêu cầu.

Ông Nguyễn Tuấn Hà cho rằng, thực trạng nêu trên có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ hạn chế của việc phát triển liên kết vùng trong lĩnh vực công nghiệp. Thời gian qua sự hợp tác, liên kết vùng vẫn còn mang tính đơn lẻ, chưa khai thác, phát huy được hết tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương.

Hoạt động hợp tác của các địa phương trong vùng chưa đa dạng, chủ yếu là trao đổi thông tin, kinh nghiệm, đào tạo cán bộ. Hợp tác chủ yếu là song phương, thiếu các hợp tác đa phương. Dù có nhiều cải thiện, chất lượng và phạm vi hoạt động liên kết vùng còn chưa tương xứng với yêu cầu và bối cảnh phát triển.

Khu công nghiệp Hòa Phú đóng tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Phan Tuấn

Tăng cường quan hệ hợp tác chặt chẽ

Nhằm phát huy tiềm năng thế mạnh và khắc phục tồn tại hạn chế, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk cho rằng cần tăng cường quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa tỉnh Đắk Lắk với các tỉnh, thành phố trong vùng Tây Nguyên nhằm kết hợp hiệu quả các tiềm năng thế mạnh và lợi thế so sánh của mỗi địa phương để đẩy nhanh sự phát triển của từng địa phương, làm động lực thúc đẩy sự phát triển chung của vùng.

Xây dựng và triển khai các dự án phát triển công nghiệp quy mô vùng, nhất là các dự án lớn liên quan đến các tỉnh lân cận, ưu tiên các dự án phát triển công nghiệp có hàm lượng vốn và khoa học công nghệ cao (ôtô, điện tử...).

Phối hợp đồng bộ các chính sách và giải pháp để đạt mục tiêu trong từng thời kỳ, đặc biệt công nghiệp chế biến sâu, xuất khẩu cần được hỗ trợ toàn diện.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk cho rằng, cần hợp tác đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông và hạ tầng logistics phục vụ sản xuất công nghiệp, chế biến nông sản chủ lực, trái cây; công nghiệp dệt, may; công nghiệp chế tạo; công nghiệp công nghệ cao.

Phấn đấu đến năm 2026, hoàn thành đầu tư cơ bản cho dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, năm 2027 đưa vào vận hành khai thác góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế giữa tỉnh Đắk Lắk và Khánh Hòa; thu hút đầu tư, kết nối trung tâm vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ. Đồng thời, phục vụ nhu cầu vận tải nhanh, an toàn, thúc đẩy phát triển du lịch, kết nối giữa “rừng” với “biển”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn