MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đắk Lắk xử lý nhiều cơ sở kinh doanh hàng hóa giả mạo thương hiệu nổi tiếng

BẢO TRUNG LDO | 27/05/2023 16:22

Từ đầu năm 2023 đến nay, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk liên tục phát hiện, xử lý hành chính nhiều cơ sở kinh doanh hàng hóa giả mạo thương hiệu nổi tiếng.

Liên tục phát hiện, xử lý vi phạm

Trong 4 tháng đầu năm 2023, Đội Quản lý thị trường số 3 (thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk) đã tiến hành kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính đối với 10 cơ sở kinh doanh vi phạm quy định về sở hữu trí tuệ trên địa bàn với số tiền hơn 100 triệu đồng và buộc tiêu hủy hàng hóa vi phạm.

Hàng hoá buộc tiêu huỷ chủ yếu là các quần áo, giày dép, linh kiện điện thoại gắn các nhãn hiệu nổi tiếng đã được bảo hộ tại Việt Nam như Adidas, Burberry, Louis Vuitton…

Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk xử lý vi phạm một cơ sở kinh doanh giày dép trên địa bàn TP.Buôn Ma Thuột. Ảnh: Bảo Trung

Giữa tháng 5 vừa qua, Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Quyết định xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng đối với ông Lâm Minh Thức (sinh năm 1991) có địa chỉ tại 47 Nguyễn Đức Cảnh, phường Thắng Lợi, TP.Buôn Ma Thuột về hành vi “Trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu”.

Trước đó, ngày 11.5.2023, theo nguồn tin cung cấp từ Tổ công tác Thương mại điện tử, Đội Quản lý thị trường số 1 tiến hành kiểm tra đột xuất một cơ sở kinh doanh có địa chỉ tại phường Thắng Lợi, TP.Buôn Ma Thuột. 

Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện ông Thức là chủ hộ kinh doanh đang trưng bày để bán hàng hóa là giày thể thao gắn nhãn hiệu Nike.

Tuy nhiên, hình được bảo hộ dùng cho mặt hàng giày dép, theo bản sao của Đăng bạ nhãn hiệu hàng hóa quốc gia số 3440 tại Công văn số 2771/SHTT-SCVB của Cục Sở Hữu trí tuệ ngày 6.4.2021 mà không được sự cho phép của chủ sở hữu nhãn hiệu.

Vẫn còn những khó khăn

Ông Mai Mạnh Toàn - Cục trưởng Cục Quản lý  thị trường tỉnh Đắk Lắk - cho biết: "Ngay từ khi phát hiện các cơ sở kinh doanh bắt đầu có dấu hiệu vi phạm, bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu thông qua nền tảng thương mại điện tử, các lực lượng của đơn vị đã kịp thời xử lý, ngăn chặn để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng. Lực lượng chức năng quyết không để các loại hàng hóa giả mạo lan tràn, trôi nổi trên thị trường. Việc kịp thời phát hiện, xử lý những cơ sở vi phạm đã góp phần răn đe, giúp những đơn vị khác theo đó làm gương, bán hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng cho người tiêu dùng".

Trong 4 tháng đầu năm 2023, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện, xử lý nhiều cơ sở kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu thông qua nền tảng thương mại điện tử. Ảnh: Bảo Trung

Được biết, trong các đợt kiểm tra từ đầu năm đến nay, các Đội Quản lý thị trường thực hiện đồng bộ công tác vừa kiểm tra, kiểm soát thị trường, vừa tuyên truyền đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thực hiện đúng quy định của nhà nước về lĩnh vực giá, an toàn thực phẩm, nhãn hàng hóa, hóa đơn chứng từ mua bán hàng hóa, không kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng...

Theo ông Toàn, bên cạnh những thuận lợi, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính tại đơn vị còn tồn tại một số khó khăn như vài văn bản trong hệ thống văn bản pháp luật về xử lý vi phạm hành chính chưa thống nhất, còn chồng chéo, chưa theo kịp với sự phát triển của các phương thức kinh doanh mới, chế tài chưa đủ sức răn đe đối với các đối tượng vi phạm.

Địa bàn tỉnh Đắk Lắk rộng, lực lượng mỏng, trình độ công chức Quản lý thị trường chưa đồng đều dẫn đến công tác kiểm tra, xử lý đối với hàng hóa nhập lậu gặp nhiều khó khăn do phải thực hiện thẩm tra, xác minh, kiểm nghiệm đánh giá chất lượng, chi phí kiểm nghiệm chất lượng hàng hóa còn cao.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn