MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đắk Nông đưa cây sầu riêng vào đúng quỹ đạo phát triển

Phan Tuấn LDO | 31/03/2023 14:57

Trong bối cảnh diện tích cây sầu riêng tăng nhanh, vượt xa quy hoạch thì các ngành chức năng tỉnh Đắk Nông đang tập trung các giải pháp nhằm ổn định diện tích, bảo đảm chất lượng và đẩy mạnh liên kết tiêu thụ sản phẩm... giúp người nông dân. 

Toàn tỉnh Đắk Nông đã phát triển được 6.139ha sầu riêng các loại. Ảnh: Phan Tuấn

Giúp người dân phát triển bài bản

Tỉnh Đắk Nông quy hoạch đến năm 2025 sẽ phát triển 5.000ha sầu riêng. Tuy nhiên, đến cuối năm 2022, trên địa bàn toàn tỉnh đã có 6.139ha sầu riêng. Con số đã vượt xa so với quy hoạch nhưng dự báo vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Tại huyện Đắk R’lấp, những năm qua, người dân chủ yếu chuyển đổi vườn cà phê, hồ tiêu sang trồng sầu riêng. Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Thành Nên, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đắk R’lấp cho biết, cách chuyển đổi như vậy của bà con tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.

Trước hết, nó sẽ làm mất cân đối trong phát triển giữa các loại cây trồng và phát sinh những hệ lụy khác như: Đất đai, thổ nhưỡng không phù hợp; mất cân đối cung cầu; khó tạo vùng nguyên liệu tập trung, chất lượng sản phẩm khó đồng đều...

Ở Đắk R'lấp, ngành Nông nghiệp đã khuyến cáo người dân xem xét việc trồng sầu riêng ở những khu vực phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng và có nguồn nước để tiện cho việc chăm sóc. Các vùng này đều đã được huyện cập nhật cho bà con biết.

Trên địa bàn huyện đã có một số doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư xây dựng kho lạnh. Bà con cũng đang tập trung vào làm mã vùng trồng, mã đóng gói.

Theo ông Nguyễn Viết Vui, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông nghiệp Đắk Nông, tỉnh có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, đầu tư, liên kết với nông dân trong chuỗi giá trị sản xuất sầu riêng.

Về kỹ thuật, ngành Nông nghiệp đang hoàn thiện quy trình chăm sóc; xử lý ra hoa, đậu quả, rải vụ sản; phòng trừ sâu bệnh hại trong điều kiện biến đổi khí hậu cho sầu riêng...

Liên kết tiêu thụ sản phẩm

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông, hiện nay, sầu riêng ở Đắk Nông chủ yếu được tiêu thụ dạng quả tươi và chủ yếu dựa vào thương lái, nên giá cả cũng bấp bênh theo từng thời điểm, từng vụ thu hoạch. Hình thức tiêu thụ này còn chiếm trên 80% sản lượng sầu riêng của tỉnh.

Ngoài ra, Đắk Nông chưa hình thành được các vùng sản xuất sầu riêng tập trung. Điều này gây khó khăn cho việc đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ vào chăm sóc sầu riêng. Việc quản lý chất lượng, tiêu thụ sản phẩm sầu riêng chưa ổn định, nông dân chưa chú trọng.

Hiện nay, ngành Nông nghiệp đang tích cực xây dựng chỉ dẫn địa lý, xuất xứ hàng hóa, các mã vùng trồng và thương hiệu cho các sản phẩm sầu riêng.

Theo bà Nguyễn Thị Tình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nếu nông dân sản xuất sầu riêng tự phát, không theo quy hoạch, quy chuẩn xuất khẩu sẽ dẫn đến cung vượt cầu. Lúc đó, giá bán sầu riêng sẽ thấp và không đem lại hiệu quả kinh tế.

Do vậy, nông dân phải thay đổi, sản xuất phải bảo đảm các tiêu chuẩn như truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm, mã vùng trồng...

Để giảm rủi ro, nông dân cần phải sản xuất sầu riêng theo hướng liên kết, tổ nhóm, hợp tác xã, sản xuất theo chuỗi giá trị, hình thành vùng nguyên liệu. Người sản xuất cần tìm hiểu thông tin, lắng nghe yêu cầu thị trường.

Sản xuất sầu riêng cần áp dụng theo các quy trình, quy chuẩn nông nghiệp an toàn, bền vững. Hiện nay, ngành Nông nghiệp đang tích cực chuẩn hoá quy trình sản xuất sầu riêng để người dân áp dụng.

Để phát triển bền vững, việc chọn giống trồng cũng hết sức quan trọng. Cây giống mua ở những nơi uy tín, chất lượng, chấp hành các quy định của Nhà nước, có nguồn gốc rõ ràng.

Khi mua giống sầu riêng bà con cần bảo đảm hồ sơ lưu trữ nguồn gốc giống để phục vụ cho việc đánh giá, cung cấp chứng nhận sau này khi xuất khẩu sản phẩm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn