MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đàm phán trái phiếu diễn ra sôi động, niềm tin sẽ tạo thanh khoản

Đức Mạnh LDO | 05/06/2023 08:14
Hoạt động đàm phán thay đổi điều khoản và điều kiện trái phiếu giữa các tổ chức phát hành và các trái chủ đã diễn ra tích cực trong tháng 5.

Bước vào tháng đỉnh điểm của trái phiếu đáo hạn 

Hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong tháng 5.2023 tiếp tục trầm lắng, trong khi hoạt động đàm phán giữa các tổ chức phát hành và các trái chủ diễn ra tích cực. Theo thống kê từ VNDirect, tính từ đầu tháng 5 cho đến ngày 23.5 không có đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ mới nào được thực hiện. 

Bước sang tháng 6 sẽ có khoảng hơn 35,5 nghìn tỉ đồng trái phiếu riêng lẻ đáo hạn, tăng gấp đôi so với tháng trước (số liệu đã loại trừ các trái phiếu được mua lại trước hạn đến ngày 23.5.2023). Nếu so cả năm nay, tháng 6 chính là tháng đỉnh điểm giá trị đáo hạn cao nhất so với các tháng còn lại.

Đáng chú ý, hoạt động đàm phán thay đổi điều khoản, điều kiện trái phiếu giữa các tổ chức phát hành và các trái chủ vẫn đang diễn ra tích cực. Tính đến ngày 23.5 đã có trên 30 tổ chức phát hành đạt được thỏa thuận gia hạn thời hạn trái phiếu với trái chủ và đã có báo cáo chính thức lên HNX.

Áp lực trái phiếu riêng lẻ đáo hạn tiếp tục gia tăng trong tháng 6.2023 trong khi danh sách các doanh nghiệp chậm thanh toán theo công bố của HNX vẫn tiếp tục tăng lên. 

Trong báo cáo mới công bố gần đây, Chứng khoán HSC ước tính trong kịch bản cơ sở, khối lượng trái phiếu chậm thanh toán có thể lên đến 77,4 nghìn tỉ đồng vào cuối năm nay.

Danh sách các doanh nghiệp chậm thanh toán trái phiếu theo công bố của HNX vẫn tiếp tục tăng lên. Ảnh: Đức Mạnh 

Khi có niềm tin, tự thị trường sẽ có thanh khoản

Ông Vương Hoàng Sơn - Giám đốc khối ngân hàng đầu tư tại Chứng khoán VNDirect - đánh giá với quy định tổ chức phát hành có thể xin ý kiến người sở hữu trái phiếu để thay đổi điều khoản trái phiếu thêm tối đa 2 năm, sẽ có rất nhiều khó khăn trong việc gia hạn đối với các trái phiếu có số lượng nhà đầu tư lớn. Nguyên nhân là việc sửa đổi các điều kiện liên quan đến thanh toán như kỳ hạn, lãi suất... thường cần tỉ lệ rất cao người sở hữu trái phiếu đồng thuận. Do vậy, không phải lô trái phiếu nào cũng thành công trong quá trình đàm phán.

Điểm mấu chốt ở đây là các doanh nghiệp cần minh bạch thông tin về mục đích sử dụng vốn trái phiếu cho hoạt động tái cơ cấu nợ ở các chương trình dự án cụ thể theo yêu cầu của Nghị định 65. Hay nói cách khác chính là xây dựng lòng tin nơi nhà đầu tư. 

Ông Đỗ Ngọc Quỳnh - Tổng Thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam - nhấn mạnh: "Niềm tin sẽ đến từ sự chủ động minh bạch của chính doanh nghiệp, yêu cầu của cơ quan quản lí và quy định pháp luật. Khi có niềm tin, tự thị trường sẽ có thanh khoản". 

Theo ông Nguyễn Tú Anh - Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung Ương - muốn thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển bền vững, niềm tin cần xuất phát từ hai phần: Một là thị trường và vĩ mô ổn định; Hai là các khoản đầu tư của nhà đầu tư được bảo vệ.

"Thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở giai đoạn đang phát triển như Việt Nam rất cần xếp hạng để củng cố niềm tin. Tuy nhiên, nếu xếp hạng tín nhiệm quốc tế doanh nghiệp Việt Nam chưa đủ tầm. Đồng thời, bản thân các tổ chức xếp hạng tín nhiệm trong nước cũng đang xây dựng uy tín. Do vậy rất cần vai trò của bảo hiểm, đánh giá rủi ro và bán rủi ro thì nhà đầu tư sẽ yên tâm "xuống tiền" hơn" - ông Tú Anh nói thêm.

Theo Bộ Tài chính, từ khi Nghị định 08 được ban hành ngày 5.3.2023, 15 doanh nghiệp đã phát hành 26,4 nghìn tỉ đồng trái phiếu ra thị trường. Trong cuối năm 2022 và 2 tháng đầu năm 2023 hầu như không có doanh nghiệp nào phát hành. Đồng thời sau khi Nghị định 08 ra đời, nhiều doanh nghiệp đã đàm phán thành công với các nhà đầu tư trong xử lí vướng mắc về quá trình thanh khoản, dòng tiền khi trái phiếu đến hạn. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn