MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dù giá lợn hơi giảm khiến nhiều người dân bỏ nuôi, nhưng nguồn cung thịt lợn Tết này vẫn dồi dào. Ảnh: Giang Nguyễn

Dân bỏ nuôi vì giá lợn hơi giảm, Tết này có lo thiếu thịt lợn?

Vũ Long LDO | 17/12/2023 06:11

Trước tình trạng giá lợn hơi giảm mạnh, nhiều hộ dân đã bỏ nuôi. Câu hỏi đặt ra là liệu Tết này có thiếu thịt lợn?

Giá lợn hơi lao dốc, dân chán nản giảm đàn

"Giá thành hiện nay khoảng 52.000 đồng/kg trong khi giá bán chỉ 49.000 đồng/kg. Giá lợn hơi giảm sâu gây thua lỗ nên tôi đã giảm đàn. Hiện tổng đàn lợn của tôi chỉ còn 1.400 lợn thịt, giảm 600 con so với đầu năm" - ông Nguyễn Hanh, chủ trang trại chăn nuôi lợn tại xã Phúc Lâm (huyện Mỹ Đức, Hà Nội), trả lời PV Lao Động bằng thông tin không mấy vui vẻ.

Bà Hà Thị Chung (Tương Dương, Nghệ An) cũng cho hay, trước đây cứ từ tháng 7 âm lịch là gia đình chị thả khoảng chục con lợn để ăn Tết và lấy thịt biếu, tặng gia đình, người thân. Thế nhưng năm nay, chị không nuôi nữa.

Đàn lợn của ông Nguyễn Hanh (Mỹ Đức, Hà Nội) đã giảm khoảng 20% so với đầu năm. Ảnh: Vũ Long

"Giá lợn hơi giờ chỉ 48.000-49.000 đồng/kg nên không lo giá tăng dịp Tết Nguyên đán, tôi bỏ nuôi. Sát tết sẽ mua lợn ngoài vì dự báo giá thịt lợn tết năm nay không cao. Xung quanh xã Tam Quang, huyện Tương Dương, người dân cũng không nuôi nhỏ lẻ nữa vì thua lỗ" - bà Chung nói.

Trao đổi với PV Lao Động, ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Công ty Thành Đô (Nghệ An) - cho hay: Không riêng gì các hộ dân, mà các trang trại chăn nuôi của các doanh nghiệp FDI cũng đang giảm đàn vì giá lợn hơi giảm mạnh, doanh nghiệp không có lãi.

“Các doanh nghiệp FDI, hay các doanh nghiệp phải thuê trang trại, kỹ thuật viên, giám đốc… bị thua lỗ vì tất cả chi phí này đều tính vào giá thành của heo (lợn), dù họ cũng khép kín quy trình chăn nuôi từ con giống đến thức ăn. Chỉ các doanh nghiệp tự quản không thuê nhân công ngoài, tự chủ về con giống, thức ăn chăn nuôi mới có lãi” - ông Thành nói.

Không lo thiếu, thậm chí có thể dư thừa thịt lợn dịp Tết

Mặc dù các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ bỏ nuôi vì sợ thua lỗ, nhưng hiện nay, các trang trại chăn nuôi lớn quy mô hàng nghìn con vẫn đang duy trì đàn lợn ổn định.

Giá lợn hơi vẫn tiếp đà giảm. Nguồn: Anova Feed

"Vì sản xuất theo quy trình khép kín, tự chủ được con giống, tự sản xuất cám... nên chăn nuôi heo của Thành Đô vẫn đang cho lãi. Hiện Thành Đô có 3.000 lợn nái và 30.000 lợn thịt. Tôi được biết chỉ các hộ chăn nuôi nhỏ vài chục con mới tạm ngừng nuôi, còn các trang trại trên cả nước chỉ giảm đàn rất ít, nên không lo thiếu thịt lợn phục vụ Tết" - ông Nguyễn Văn Thành cho hay.

Ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) - khẳng định: Với tổng đàn gần 29 triệu con, Tết Nguyên đán 2024 không cần lo lắng đến nguồn cung. Mối quan tâm lớn nhất vẫn là khi nào giá sẽ nhích lên, cải thiện thu nhập cho nông dân, lợi nhuận cho doanh nghiệp.

“Hiện tại không có vấn đề gì quá nghiêm trọng về sức sản xuất, chỉ lo ở đầu tiêu thụ. Bệnh dịch hiện cũng không còn nặng nữa bởi trải qua nhiều năm, độc tố cũng đã giảm dần, không còn bùng mạnh như thời điểm mới xuất hiện” - ông Tống Xuân Chinh khẳng định.

Ông Dương Tất Thắng - Cục trưởng Cục Chăn nuôi - cũng khẳng định: "Nguồn thịt về cơ bản đáp ứng yêu cầu của người dân".

Trao đổi với Lao Động, một số thương nhân thậm chí còn e ngại sức mua tết này có thể giảm vì thu nhập của người dân không cao như các năm trước. Bên cạnh đó, nguồn thịt nhập khẩu trong 11 tháng năm 2023 cũng tăng mạnh có thể khiến nguồn cung dư thừa.

Dự báo có đủ thịt lợn phục vụ người dân dịp Tết. Ảnh: Vũ Long

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính, trong 10 tháng qua, Việt Nam đã nhập khẩu 572.110 tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 1,15 tỉ USD, tăng 5% về lượng. Việt Nam nhập khẩu chủ yếu là thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của gia cầm; thịt trâu tươi đông lạnh; phụ phẩm ăn được sau giết mổ của lợn, trâu, bò sống ướp lạnh hoặc đông lạnh; thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh; mỡ lợn đông lạnh; thịt bò tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh…

Còn theo Bộ Công Thương, thịt lợn đang là loại thực phẩm có lượng nhập khẩu tăng mạnh nhất, với 6 tháng tăng trưởng liên tiếp. Trong tháng 10, Việt Nam nhập khẩu 14.400 tấn thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh, với trị giá 33,88 triệu USD, tăng 20,6% về lượng và tăng 29,4% về trị giá so với tháng 10.2022.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn