MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các ghe mía đậu chật các sông nằm chờ nhà máy thu mua. Ảnh: PV

Dân khốn khổ vì nhà máy chậm thu mua mía

TRẦN LƯU LDO | 10/03/2018 06:59
Việc nhà máy chậm thu mua đã khiến hàng trăm nghìn hécta mía ở Trà Vinh bị ùn ứ. Các nông hộ đang lâm vào cảnh khốn đốn, có trường hợp phải bán đất, bán nhà do lâm nợ vì cây mía…

Đổ nợ vì cây mía

Những ngày này, về huyện Trà Cú (Trà Vinh), ở đâu cũng bắt gặp hình ảnh các ghe mía đậu chật các sông, kênh, rạch… Cùng với đó là hình ảnh hàng chục xe tải đang nằm chờ nhà máy cân mía. Anh Phùng Văn Dũng (xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú) cho biết: “Vụ này, tui trồng hơn 10 công mía, thu hoạch được 60 tấn, rồi chất lên ghe chở vào rạch Mù U nằm “chờ tài”. Tui chờ đã nửa tháng nay mà nhà máy vẫn chưa thu mua, trong khi đó, mía ngày càng khô, chất lượng sụt giảm hiện chỉ còn 50 tấn. Nếu tình hình này tiếp tục kéo dài, nông dân tụi tui có nước bỏ xứ”.

Tình cảnh của anh Dũng cũng là câu chuyện chung của bà con trồng mía ở Trà Cú. Đã mấy tháng nay, Cty CP mía đường Trà Vinh lấy lý do đang tiến hành cải tạo, nâng công suất nhà máy lên 4.000 tấn mía/ngày. Do quá trình thi công cải tạo gặp trở ngại về thời tiết, kỹ thuật nên tiến độ hoàn thành bị chậm so với kế hoạch, dẫn đến việc nhà máy hoạt động chậm hơn mọi năm. Từ đó, việc thu mua mía cho người dân cũng diễn ra ỳ ạch.

Bà Nguyễn Thị Ánh (chủ đại lý Ánh Hơn, chuyên đầu tư và thu mua mía ở Trà Cú) cho biết: Mọi năm nhà máy hoạt động vào tháng 9, nhưng năm nay kéo dài đến tận tháng 2 của năm sau. Từ đó dẫn đến việc ùn ứ mía do các địa phương đều vào kỳ thu hoạch, nhân công tìm đỏ mắt cũng không ra, ghe chở mía cũng thiếu trầm trọng. Có nơi, sau khi thu hoạch, trừ mọi chi phí, nông dân chỉ bán được 300đ/kg mía. Tính ra mỗi công (10-12 tấn) bán được 3 triệu, trong khi tiền đầu tư mỗi công là 7 triệu đồng. Đó là chưa kể năm nay, nhà máy “đánh” tạp chất mía với chỉ số rất cao. Bình quân 100 tấn là có 5 tấn bị đánh tạp chất coi như bỏ. “Tui làm nghề mía đã 20 năm nay, chưa có năm nào bà con khổ sở như lần này” - bà Ánh than thở.

Bà Kiên Thị Xê (ấp Mộc Anh, xã Lưu Nghiệp Anh) thở dài nói: “Tui trồng 5 công mía, nhưng không có vốn; được đại lý bỏ tiền vào đầu tư giống, phân bón… Đến kỳ thu hoạch, họ sẽ lấy lại một lượng mía tương ứng với số tiền đã đầu tư, phần còn lại nông dân được hưởng. Năm nay, giá bán thấp, nhà máy lại chậm thu mua; trừ mọi chi phí tui lỗ mấy chục triệu đồng, nợ nần chồng chất. Hết cách, tui đành gọi điện cho chủ đại lý đến giao bằng khoán đất trừ nợ, vụ sau đi mần mướn chỗ khác. Giờ bám vào cây mía chỉ có chết”.

Doanh nghiệp cam kết sẽ thu mua

Hiện nay, ngành mía đường còn tồn kho khoảng 200.000 tấn. Bà con cho rằng đây là nguyên nhân khiến nhà máy đường viện “lý do kỹ thuật” để chậm thu mua mía. Trong khi nhiều ruộng mía đang trổ cờ, chất lượng giảm sút, nhiều nơi nông dân phải đốn hoặc đốt bỏ vì mía đã thành củi khô.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Thạch Sô Phanh - Phó Trưởng phòng NNPTNT huyện Trà Cú - cho biết: Toàn huyện có 4.322ha trồng mía được Cty CP mía đường Trà Vinh bao tiêu, mỗi hécta thu hoạch khoảng 100 tấn. Như vậy sẽ có trên 432.000 tấn mía đang chờ nhà máy thu mua. Trong khi công suất nhà máy chỉ đạt 2.500 tấn/ngày.

Việc ùn ứ mía của địa phương có một phần nguyên nhân là do nhà máy đường ở Sóc Trăng năm nay hoạt động còn trễ hơn Trà Vinh. Nhiều nông hộ bên đó đã tranh thủ cho ghe chở mía qua Trà Cú nằm “xếp tài” để bán cho nhà máy. “Nông dân mình không chở mía qua Sóc Trăng được do bị cảng vụ kiểm soát; còn dân Sóc Trăng thì lại qua đây bình thường do bên này không có cảng vụ. Trong khi nhà máy đường cứ thấy ghe mía thì mua, không biết ai là dân sở tại, ai ở chỗ khác tới. Vừa qua, chúng tôi có đến nhà máy mía đường kiểm tra, việc họ đầu tư, sửa chữa máy móc là có thật” - ông Phanh nói.

Trước những bức xúc của người dân, mới đây, UBND tỉnh Trà Vinh đã có buổi làm việc với Cty CP mía đường Trà Vinh. Qua đó, doanh nghiệp cam kết sẽ thu mua hết toàn bộ mía trong tỉnh cho nông dân. Đây là một tín hiệu mừng, nhưng trên thực tế, việc thu mua mía của nhà máy đang diễn ra rất ỳ ạch. Trong khi đó, bà con nông dân đang khổ sở từng ngày, bởi mía đang sắp thành củi khô trên đồng ruộng…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn