MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đánh giá tác động khoản vay gần 2,6 tỉ USD làm sân bay Long Thành

Đặng Chung - Cao Nguyên LDO | 24/10/2019 18:59

Việc Chính phủ bảo lãnh cho ACV vay hàng tỉ USD đầu tư, khai thác Cảng hàng không Quốc tế Long Thành cũng như tiến độ của dự án là các vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm.

Chiều 24.10, Quốc hội thảo luận tại tổ về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án xây dựng sân bay Long Thành (tỉnh Đồng Nai) do Chính phủ trình. Trước phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã trình bày báo cáo nghiên cứu khả thi về dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể. 

Xem xét khả năng cấp bảo lãnh

Theo báo cáo, giai đoạn 1 của sân bay Long Thành có tổng mức đầu tư 111.689 tỉ đồng (4,779 tỉ USD). Theo đó, sẽ đầu tư xây dựng 1 đường cất hạ cánh dài 4.000m; 1 nhà ga hành khách với công suất 25 triệu hành khách/năm; nhà ga hàng hóa 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm và các hạng mục phụ trợ.

Chính phủ dự kiến giao Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) xây dựng khu bay, còn giao cho Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) xây dựng cảng và các công trình phụ trợ.

Tuy nhiên, đây là dự án xây dựng cảng hàng không mới nên theo quy định của Luật Đấu thầu (khoản 3 điều 1) phải thực hiện đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án. Do vậy, việc giao ACV đầu tư, khai thác Cảng cần phải được Quốc hội thông qua.

Theo tờ trình, tổng số vốn ACV cần huy động là 4,194 tỉ USD, tương đương khoảng 98.014 tỉ đồng.

Đến ngày 31.12.2018, ACV đã tích lũy được lượng tiền mặt là 24.268 tỉ đồng; trong giai đoạn 2019-2025, ACV dự kiến tiếp tục tích lũy 12.339 tỉ đồng từ kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh. Do đó, dự kiến ACV bố trí vốn chủ sở hữu được 36.607 tỉ đồng, tương đương 1,566 tỉ USD, chiếm 37% tổng vốn đầu tư.

Số vốn còn lại ACV phải đi vay khoảng 2,628 tỉ USD.

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, theo quy định tại Luật Quản lý nợ công thì dự án này thuộc đối tượng được bảo lãnh Chính phủ. Nếu được Chính phủ bảo lãnh thì khoản vay này sẽ được tính vào nợ công.

Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ báo cáo thêm có khả năng cấp bảo lãnh đối với khoản vay này không để có cơ sở đánh giá đầy đủ, chính xác tác động của phương án huy động vốn đối với nợ công.

Ảnh hưởng thế nào tới nợ công?

Thảo luận tại tổ về các nội dung liên quan đến dự án sân bay Long Thành, đại biểu Phạm Phú Quốc (Đoàn TPHCM) nêu vấn đề phương án tài chính trong báo cáo của Chính phủ đặt ra. 

Cụ thể, ACV cho biết vốn dự có gần 1,57 tỉ USD (chiếm khoảng 37%), còn lại là đi vay. Chính phủ phải bảo lãnh cho doanh nghiệp này vay gần 2,6 tỉ USD. 

 Đại biểu Phạm Phú Quốc  (Đoàn TPHCM).

Đại biểu Quốc cho rằng cần phân tích việc Chính phủ bảo lãnh cho ACV vay lượng lớn tiền như vậy sẽ ảnh hưởng như thế nào đến nợ công.

“Dòng tiền mà ACV báo cáo cần có phân tích, chứng minh rõ. Nói là có 37% vốn nhưng khi đi vay thêm có thể dẫn tới nợ xấu và ảnh hưởng đến trần nợ công. Cần làm rõ con số này thì trình ra Quốc hội mới thuyết phục”, đại biểu Quốc kiến nghị.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) và nhiều đại biểu khác cũng đặt câu hỏi về tiến độ của dự án.

Bởi muốn triển khai dự án ngay vào năm sau thì phải có đất sạch, trong khi tiến độ giải phóng mặt bằng đang rất chậm. Đến tháng 8, việc đền bù giải phóng mới giải ngân được 232 tỉ đồng, trong tổng số 11.400 tỉ đồng (giai đoạn 2018-2019). Theo báo cáo, nếu nỗ lực hết 2019, sẽ thực hiện giải ngân được thêm 176 tỉ đồng, như vậy mới đạt khoảng 15%.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn