MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đất vàng phố cổ phát mại không ai mua, ngân hàng tiềm ẩn rủi ro nợ xấu

Đức Mạnh LDO | 18/06/2023 06:00

Khoảng 70% tài sản bảo đảm cho các khoản vay tại hệ thống ngân hàng hiện nay là bất động sản. Do đó, nhà đất thường là tài sản được các ngân hàng đem ra phát mại nhiều nhất khi khách hàng không đảm bảo khả năng hoàn trả nợ vay.

Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và khai thác tài sản Agribank (Agribank AMC) mới đây thông báo đưa hàng loạt bất động sản trên phố cổ Hà Nội ra đấu giá để xử lý, thu hồi nợ.

Cụ thể vào ngày 16.6, Agribank AMC thông báo đấu giá quyền sử dụng đất và nhà ở tại số 19 phố Hàng Chiếu, phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Giá khởi điểm được đưa ra là 71,4 tỉ đồng, giảm 33% so với con số 107 tỉ đồng rao bán cách đây 9 tháng.

Tới ngày 21.6, ngân hàng này cũng sẽ tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tọa lạc tại địa chỉ số 110 phố Hàng Buồm, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Giá khởi điểm được Agribank đặt ra là 38,5 tỉ đồng (đã bao gồm VAT), giảm sâu 36% so với hồi tháng 8.2022 mà vẫn ế người mua.

Trước đó vào cuối tháng 3, Vietcombank thông báo phát mại bất động sản tại địa chỉ 29 Hàng Thiếc, phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội với giá khởi điểm từ 52 tỉ đồng. Theo mô tả, thửa đất có diện tích 154 m2. Tài sản gắn liền với đất là nhà ở riêng lẻ, có diện tích xây dựng 103,4 m2, diện tích sàn 230 m2.

Một trong những bất động sản trên phố cổ Hà Nội (giữa) mà Ngân hàng Agribank phát mại. Ảnh: Đức Mạnh

Theo FiinGroup, khoảng 70% tài sản bảo đảm cho các khoản vay tại hệ thống ngân hàng hiện nay là bất động sản. Do đó, nhà đất thường là tài sản được các ngân hàng đem ra phát mại nhiều nhất khi khách hàng không đảm bảo khả năng hoàn trả nợ vay. Tuy nhiên, việc thanh lý không phải lúc nào cũng diễn ra dễ dàng.

"Hệ thống ngân hàng đang đối mặt với rủi ro nợ xấu tiềm ẩn từ danh mục tín dụng bất động sản, bao gồm cho vay chủ đầu tư bất động sản, cho vay người mua nhà và nợ xấu chéo từ trái phiếu bất động sản. Trong đó, việc phát mại tài sản đảm bảo, bán nợ theo cơ chế thị trường để xử lý nợ xấu gặp trở ngại đáng kể khi thị trường bất động sản gặp khó khăn" - đội ngũ phân tích nhấn mạnh.

Vì thế, các ngân hàng có dư nợ tín dụng bất động sản cao từ cho vay và trái phiếu sẽ đối mặt áp lực trích lập dự phòng cao hơn những ngân hàng thuần bán lẻ. Điều này khiến lợi nhuận ngân hàng bị ăn mòn.

Còn về nguyên nhân vì sao tài sản đem ra phát mại nhiều lần chưa thanh lý được, các chuyên gia cho rằng, có 3 lý do chính. Một là phụ thuộc vào tính thanh khoản. Hai là chất lượng của tài sản còn tốt hay không (vì sau thời gian dài bị niêm phong tài sản có thể không được bảo dưỡng thường xuyên). Ba là thủ tục giấy tờ mua bán phức tạp, tốn nhiều thời gian.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn