MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp hiện nay đang quản lý khối tài sản gần 2.500 nghìn tỉ đồng. Ảnh. PV.

Dấu ấn "siêu uỷ ban" sau 5 năm quản lý khối tài sản hơn 2.360 nghìn tỉ đồng

Phương Anh LDO | 29/09/2023 16:31

So với năm 2018 (bắt đầu chuyển về "siêu ủy ban"), hiện nay Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã quản lý tổng vốn chủ sở hữu hợp nhất 19 tập đoàn, tổng công ty tăng từ 1 triệu 055 nghìn tỉ đồng lên 1 triệu 154 nghìn tỉ đồng.

Chiều 29.9.2023, tại Hà Nội, Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động 5 năm của Uỷ ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp kể từ khi Chính phủ ban hành Nghị định số 131/2018/NĐ-CP ngày 29.9.2018 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của ủy ban.

So với năm 2018 (bắt đầu chuyển về siêu ủy ban), tổng vốn chủ sở hữu hợp nhất 19 tập đoàn, tổng công ty tăng từ 1 triệu 055 nghìn tỉ đồng lên 1 triệu 154 nghìn tỉ đồng. Tổng tài sản hợp nhất tăng từ 2 triệu 360 nghìn tỉ đồng lên 2 triệu 491 nghìn tỉ đồng (chiếm tỉ lệ khoảng 63% tổng vốn chủ sở hữu và 65% tổng tài sản của doanh nghiệp nhà nước trong cả nước).

Các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh đạt được hàng năm có sự tăng trưởng. Năm 2022, tổng doanh thu hợp nhất đạt 1 triệu 871 nghìn tỉ đồng (năm 2021 đạt 1 triệu 381 nghìn tỉ đồng), tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 103.310 tỉ đồng (năm 2021 đạt 102.652 tỉ đồng), tổng giá trị nộp ngân sách nhà nước hợp nhất đạt 227.990 tỉ đồng (năm 2021 đạt 217.781 tỉ đồng).

Nói về nhiệm vụ, giải pháp phát huy vai trò của các tập đoàn, tổng công ty trong phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới, Ủy ban đã đề ra loạt nhiệm vụ, giải pháp cụ thể đối với các tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu.

Hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ sản xuất kinh doanh; các tập đoàn, tổng công ty có thế mạnh, điều kiện thuận lợi phải phấn đấu vượt kế hoạch được giao để góp phần đạt kết quả cao nhất. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động đầu tư, bám sát ba đột phá chiến lược, ba động lực tăng trưởng, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của cả nước. Chủ động đầu tư theo chiến lược, kế hoạch và Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ.

Cùng với đó, đẩy mạnh đổi mới, hiện đại hóa quản trị doanh nghiệp theo cơ chế thị trường và các nguyên tắc, chuẩn mực quốc tế. Đẩy mạnh tiết kiệm trong các khâu sản xuất; nghiên cứu phương án kỹ thuật, công tác cải tiến sử dụng nguyên phụ liệu thay thế phù hợp vừa đảm bảo chất lượng sản phẩm, dịch vụ và đảm bảo hạ giá thành.

Ngoài ra, cần tiếp cận có hiệu quả hơn các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước để bảo đảm nguồn vốn đầu tư dài hạn, có chi phí thấp. Nâng cao chất lượng công tác dự báo, phân tích, cảnh báo, phòng ngừa rủi ro. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh phương thức kinh doanh trực tuyến phù hợp với xu hướng phát triển của công nghệ. Phát huy vai trò của tổ chức Đảng tại doanh nghiệp; vai trò của Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn