MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
UBND huyện Lạng Giang (Bắc Giang) là nơi ký các quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, giao cho BQL huyện Lạng Giang mời thầu. Ảnh: Bacgiang.gov.vn

Dấu hiệu bất thường ở 36 gói thầu tại huyện Lạng Giang, Bắc Giang

Văn Nguyễn LDO | 29/07/2023 06:07

36 gói thầu do Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng huyện Lạng Giang (tỉnh Bắc Giang) triển khai thời gian qua xuất hiện những dấu hiệu bất thường ngay ở hồ sơ mời thầu.

Loạt yêu cầu gây nghi ngờ trong hồ sơ mời thầu

Trong hoạt động đấu thầu, Khoản 6, Điều 89, Luật Đấu thầu 2013 quy định, hành vi bị cấm gồm: “Nêu yêu cầu cụ thể về nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa trong HSMT đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp hoặc gói thầu hỗn hợp khi áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế”.

Tuy nhiên theo các dữ liệu thống kê của Cục Quản lý Đấu thầu – Bộ Kế hoạch và Đầu tư mà PV Lao Động có được, trong số 36 gói thầu xây lắp được Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng huyện Lạng Giang (BQL huyện Lạng Giang) triển khai giai đoạn từ tháng 10.2022 đến tháng 7.2023, rất nhiều trong số này xuất hiện những tình tiết có dấu hiệu bất thường ngay từ hồ sơ mời thầu (HSMT).

Trong đó Gói thầu số 01 thuộc Dự án Tuyến đường vành đai phía Bắc huyện Lạng Giang (đoạn thị trấn Kép đi ĐT 292) là một điển hình.

Ở gói này, BQL huyện Lạng Giang đưa ra điều kiện về nguồn cung cấp hoặc nơi sản xuất đối với vật liệu cát vàng phải từ Sông Lô hoặc các vùng lân cận.

Điều kiện tại hồ sơ mời thầu Gói thầu Mua sắm thiết bị và thi công xây dựng công trình thuộc Dự án Xây dựng khu dân cư cổng UBND xã Quang Thịnh, huyện Lạng Giang (giai đoạn 5). Ảnh: Chụp tài liệu

Gói thầu số 1 Dự án Xây dựng khu dân cư cổng UBND xã Quang Thịnh, huyện Lạng Giang (giai đoạn 5) có giá trị 33,6 tỉ đồng cũng nêu cụ thể về nhãn mác, xuất xứ.

Cụ thể, BQL huyện Lạng Giang đưa ra yêu cầu: Đất cấp 3 từ Bắc Giang hoặc vùng lân cận. Cát các loại từ Sông Lô hoặc các vùng lân cận.

Gói thầu số 1 tại xã Quang Thịnh cũng đưa ra các điều kiện với vật liệu phổ biến trên thị trường như xi măng – chất lượng tương đương với Vissai Đồng Bành. Đá dăm – chất lượng tương đương với sản phẩm của Công ty Cổ phần Võ Nói. Thép – chất lượng tương đương với sản phẩm của Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên TISCO… Đây đều là những mặt hàng được bán rộng rãi, phổ biến trên thị trường.

Pháp luật cấm nêu điều kiện về xuất xứ

Không chỉ ở một số gói trên, dữ liệu đấu thầu mà Báo Lao Động có được cho thấy đa phần trong 36 gói thầu xây lắp do BQL huyện Lạng Giang triển khai đều đưa ra yêu cầu cụ thể về nguồn gốc, xuất xứ và nhãn mác sản phẩm như đã nêu. Điều kiện này xuất hiện từ gói giá trị trên 1 tỉ đồng cho đến gói trên 100 tỉ đồng.

Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu Mua sắm thiết bị và thi công xây dựng công trình thuộc dự án: Xây dựng khu dân cư cổng UBND xã Quang Thịnh, huyện Lạng Giang (giai đoạn 5). Ảnh: Chụp tài liệu

Điều này gây chú ý bởi không chỉ Luật Đấu thầu 2013, Chỉ thị số 47 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh công tác đấu thầu trong các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước cũng quy định: “Không được nêu yêu cầu về nhãn hiệu, xuất xứ cụ thể của hàng hóa, kể cả việc nêu tên nước, nhóm nước, vùng lãnh thổ gây ra sự phân biệt đối xử”.

Còn tại Khoản 7, Điều 12, Nghị định 63/2014 của Chính phủ quy định: HSMT không được nêu yêu cầu về nhãn hiệu, xuất xứ cụ thể của hàng hóa.

Trường hợp không thể mô tả chi tiết hàng hóa theo đặc tính kỹ thuật, thiết kế công nghệ, tiêu chuẩn công nghệ thì được nêu nhãn hiệu, catalô của một sản phẩm cụ thể để tham khảo, minh họa cho yêu cầu về kỹ thuật của hàng hóa nhưng phải ghi kèm theo cụm từ “hoặc tương đương” sau nhãn hiệu, catalô đồng thời phải quy định rõ nội hàm tương đương với hàng hóa đó về đặc tính kỹ thuật, tính năng sử dụng, tiêu chuẩn công nghệ và các nội dung khác (nếu có) để tạo thuận lợi cho nhà thầu trong quá trình chuẩn bị hồ sơ dự thầu”.

Việc BQL huyện Lạng Giang đưa ra các điều kiện về nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác đối với hàng hóa như vừa nêu đặt ra rất nhiều dấu hỏi về pháp lý trong hàng loạt HSMT của địa phương này.

Chỉ tính từ tháng 10.2022 đến tháng 7.2023, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạng Giang - ông Thân Hải Nam và bà Bùi Thị Hương Lan liên tiếp ký 42 quyết định phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho 42 dự án khác nhau.

Một số dự án quy mô có thể kể đến như: Dự án Xây lắp Tuyến đường từ Khu công nghiệp Tân Hưng đi đường Đại Lâm - An Hà với tổng mức đầu tư 246,3 tỉ đồng; Dự án Xây lắp tuyến đường trục kết nối từ thị trấn Vôi đi xã Tân Thanh - Dương Đức có tổng mức đầu tư gần 160 tỉ đồng.

BQL huyện Lạng Giang sau đó triển khai mời thầu tại 62 gói. Các quyết định phê duyệt Kết quả lựa chọn nhà thầu do ông Trần Công Tưởng - Giám đốc BQL huyện Lạng Giang ký.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn