MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Việt Nam cần cải thiện nhiều điều liên quan đến nhà đầu tư nước ngoài trong nỗ lực nâng hạng thị trường chứng khoán. Ảnh: Đức Mạnh

Dấu hỏi lớn khi nâng hạng thị trường chứng khoán

Đức Mạnh LDO | 02/04/2023 13:02

Một trong những rào cản lớn nhất trong nỗ lực nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn là khả năng tiếp cận đối với nhà đầu tư nước ngoài gần như không thay đổi trong nhiều năm qua.

Lo ngại về thời điểm cải tổ thị trường

MSCI và FTSE Russel là những tổ chức tiêu biểu về xếp hạng thị trường chứng khoán. Hiện nay MSCI vẫn xếp Việt Nam trong nhóm thị trường cận biên còn Russell tiếp tục duy trì Việt Nam trong danh sách chờ xét nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi.

Trong thông báo mới nhất, FTSE Russell vẫn giữ nguyên Việt Nam ở lại nhóm thị trường cận biên (Frontier) và tiếp tục nằm trong danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi hạng 2 (Secondary Emerging market) kể từ tháng 9.2018.

Điểm đáng nói là Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được tiêu chí "Chu kỳ thanh toán (DvP)" khi đang bị xếp ở mức "hạn chế". Chưa thấy được tiến triển rõ ràng đối với mô hình đối tác bù trừ trung tâm (central counterparty)...

FTSE Russell lưu ý họ rất lo ngại sự thiếu rõ ràng về thời điểm thực hiện cải tổ thị trường. Nếu thông tin này vẫn chưa rõ ràng hoặc thời gian thực hiện bị kéo dài trước tháng 9.2023, FTSE Russell có thể cân nhắc lại việc giữ Việt Nam trong danh sách theo dõi nâng hạng. 

Còn xét theo tiêu chí của MSCI, Việt Nam vẫn còn cần cải thiện nhiều điều liên quan đến nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể là giới hạn sở hữu nước ngoài tại lĩnh vực có điều kiện; thị trường chứng khoán bị ảnh hưởng đáng kể bởi room khối ngoại; quyền bình đẳng đầu tư nước ngoài liên quan thông tin tiếng Anh và room sở hữu; mức độ tự do hóa thị trường ngoại hối...

Gỡ khó những rào cản về khối ngoại

Theo các chuyên gia, để thỏa mãn các tiêu chí đánh giá việc nâng hạng không phải là điều dễ dàng. Một trong những rào cản lớn nhất vẫn là khả năng tiếp cận thị trường Việt Nam đối với nhà đầu tư nước ngoài gần như không thay đổi trong những năm qua. 

Đặc biệt, quy định về tỉ lệ trần sở hữu của nước ngoài đối với các công ty nằm trong một số ngành có điều kiện nhất định và ngành nhạy cảm vẫn chưa có những thay đổi đáng kể. Vấn đề cần đặt ra bàn cân là thu hút lượng lớn tổ chức và cá nhân nước ngoài tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam và lo ngại về nguy cơ bị thâu tóm.

Ông Kojima Kazunobu - chuyên gia tư vấn JICA, Tư vấn trưởng Viện Nghiên cứu Daiwa (Nhật Bản) - cho hay, vấn đề cơ bản và lớn nhất đối với Việt Nam là tỉ lệ giới hạn sở hữu nước ngoài (FOL) và tỉ lệ giới hạn trên áp dụng cho nhà đầu tư nước ngoài theo quy định trong điều lệ công ty. Việc công bố báo cáo bằng tiếng Anh hay tiêu chuẩn kế toán mà mọi người thường đề cập chỉ là vấn đề nhỏ so với FOL.

Phương pháp có thể cân nhắc là nới room của nhà đầu tư nước ngoài lên cao hơn 30%. Hoặc cho phép phát hành chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR) giống ở Thái Lan. 

Bên cạnh đó, khả năng tiếp cận thị trường Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài cũng bị giới hạn nhất định về mặt ngôn ngữ. Việc công bố thông tin, quy định về thị trường, thông tin doanh nghiệp cần có bản tiếng Anh và đủ chi tiết. Đây là một tiêu chí đóng vai trò rất quan trọng vì cả MSCI lẫn FTSE đều rất quan tâm đến quyền tiếp cận thông tin bình đẳng đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Thêm nữa, Việt Nam đang thiếu "tự do hóa thị trường ngoại hối" do nhiều rào cản về pháp lệnh. Theo định nghĩa, tự do hoá thị trường ngoại hối là cho các nguồn vốn nước ngoài và trong nước tự do luân chuyển, tạo sự hấp thụ có hiệu quả các nguồn vốn từ bên ngoài để phát triển kinh tế, mở rộng giao lưu kinh tế thương mại với các nước trên thế giới, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Tuy nhiên, đây là điều chưa được hiện thực hóa ở Việt Nam. Nỗ lực để đáp ứng yêu cầu này, nếu có, không thuộc về Uỷ ban Chứng khoán hay Bộ Tài chính Việt Nam.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn