MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giá vàng miếng trong nước đang cao hơn giá vàng thế giới (quy đổi) tới 4,7 triệu đồng mỗi lượng. Ảnh: H.N

Đâu là nguyên nhân khiến chênh lệch giá vàng quá lớn?

Lam Duy LDO | 17/01/2021 11:00

Việc điều chỉnh giá vàng trong nước quá chậm và tâm lý thận trọng của giới kinh doanh là nguyên nhân khiến chênh lệch với giá vàng thế giới lên mức cao nhất năm 2021.

Chốt phiên giao dịch tuần, giá vàng tại thị trường trong nước cũng như trên thị trường thế giới đều chứng kiến xu hướng đi xuống rõ rệt.

Tại thị trường trong nước, giá vàng miếng lùi về vùng giá 55,80- 56,40 triệu đồng/lượng trong lúc giá vàng thế giới cũng lao mạnh xuống dưới vùng giá 1.900 USD/ounce và chỉ còn được giao dịch ở mức giá 1.828,6 USD/ounce.

Theo nhận định của các tổ chức đầu tư, việc Tổng thống đắc cử Joe Biden nhiều khả năng sẽ sớm công bố một đề xuất gói kích thích kinh tế nhằm vực dậy nền kinh tế Mỹ vốn chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 là một yếu tố tác động lớn đến giá vàng trên thị trường.

Thực tế các thông tin về gói kích thích đang khiến lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ tăng lên mức cao gần 10 tháng và đẩy đồng USD lên giá, qua đó gây áp lực mạnh lên mặt hàng kim loại quý.

Tuy nhiên tại thị trường trong nước, việc điều chỉnh giảm giá vàng chậm và không theo kịp với tốc độ giảm nhanh của giá vàng thế giới khiến chênh lệch giá giữa hai thị trường bị kéo rộng lên mức lớn nhất tính từ thời điểm đầu năm 2021 đến nay.

Với mức giá hiện nay, giá vàng thế giới quy đổi hiện tương đương mức 51,76 triệu đồng/lượng và theo đó thấp hơn giá vàng miếng SJC bán ra tới 4,7 triệu đồng mỗi lượng.

Giá vàng trong nước (màu xanh) và giá vàng thế giới (màu đỏ) đang chênh lệch quá lớn. Ảnh: BTMC

Việc giá vàng trong nước được điều chỉnh với tốc độ chậm hơn so với giá thế giới khiến khoảng cách chênh lệch giá giữa hai thị trường bị giãn rộng, làm gia tăng rủi ro trên thị trường và đặc biệt với người dân đang có nhu cầu mua vàng ở thời điểm hiện nay.

Việc điều chỉnh giá vàng chậm hơn so với biến động của thị trường thế giới là động thái thường thấy của giới kinh doanh vàng trong nước cho thấy tâm lý thận trọng của giới kinh doanh nhằm tiếp tục theo dõi thêm các diễn biến thị trường.

Thực tế nếu tính từ thời điểm ngày 4.1 khi giá vàng thế giới lập đỉnh 1.942 USD/ounce đến cuối tuần này, giá vàng thế giới mất tới 113,4 USD mỗi ounce, quy đổi tương đương mức giảm tới hơn 3,16 triệu đồng mỗi lượng.

Trong khi giá vàng miếng SJC vào ngày 16.1 vẫn được giao dịch ở mức giá 55,8 - 56,4 triệu đồng/lượng, chỉ giảm 400 - 600 nghìn đồng mỗi lượng so với giá giao dịch cuối ngày 4.1.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn