MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đấu nối các dự án điện: "Đừng biến đường cao tốc thành đường nông thôn xã"

Cường Ngô LDO | 03/12/2020 11:24

Đại diện EVNNPT cho biết, việc đấu nối quá nhiều dự án nguồn điện lên hệ thống lưới điện truyền tải cũng ảnh hưởng lớn đến mỹ quan, an toàn lưới điện. Chính vì vậy, các vùng miền cần cân đối việc đấu nối các dự án nguồn điện và tăng cường hệ thống truyền tải điện

Vấn đề thủ tục gặp nhiều khó khăn

Tại hội thảo khoa học: "Những vấn đề về đấu nối các dự án nguồn điện và cơ chế, chính sách đa dạng hoá đầu tư lưới điện truyền tải ở Việt Nam" diễn ra sáng 3.12, ông Mạc Quang Huy - thành viên HĐQT Công ty CP Tập đoàn Trường Thành Việt Nam cho biết, qua thực tiễn thực hiện đầu tư vào các dự án năng lượng, doanh nghiệp này "va" phải thực tế khi ký hợp đồng mua bán điện theo hợp đồng mẫu do Bộ Công Thương ban hành, các doanh nghiệp đều phải cam kết giảm công suất phát theo lệnh điều độ.

Điều này, theo ông Huy khiến các ngân hàng rất e dè xem xét khoản vốn vay, bởi cho rằng việc giảm công suất không có ngưỡng dừng, các doanh nghiệp không đảm bảo được tài sản. Đặc biệt, trong những năm tới, khi giá điện mặt trời tuân theo cơ chế đấu thầu thì cả giá bán, sản lượng điện sẽ là biến số, dẫn tới khó khăn hơn trong việc tiếp cận vốn vay.

Đối với dự án điện gió của doanh nghiệp này, ông Huy cho hay, hiện tại gặp rất nhiều khó khăn trong việc đấu nối các dự án nguồn điện với lưới điện quốc gia, cũng như việc thực thi chia sẻ hạ tầng lưới điện đấu nối.

Đại diện Công ty Trường Thành nói về việc đấu nối các dự án nguồn điện. Ảnh: C.N

"Đứng trước bài toán về nguồn cung điện năng trong giai đoạn tới, đồng thời giải quyết các vấn đề về đấu nối các dự án nguồn điện, chúng tôi cho rằng, Việt Nam cầm sớm có chính sách đủ mạnh, mang tính đặc thù, để khai thác hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo sẵn có, tại chỗ, nhất là năng lượng mặt trời, gió", ông Huy nói.

Nguyễn Ngọc Tân – Hội đồng thành viên Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) cho biết, vướng mắc trong việc đấu nối các dự án nguồn điện chính là thủ tục.

"Năm 1994, chúng tôi có 1.500 km đường dây 500 KV trên hệ thống lưới điện, đến bây giờ là gần 6.000 km rồi, cộng thêm hàng nghìn đội ngũ kỹ sư, công nhân, thế nhưng công trình của chúng tôi vẫn bị xét là "công trình đặc biệt", mà "công trình đặc biệt" thì cần rất nhiều cấp thẩm tra, mất rất nhiều thời gian", ông Tân nói.

Theo ông Tân, việc đấu nối quá nhiều dự án nguồn điện lên hệ thống lưới điện truyền tải cũng ảnh hưởng lớn đến mỹ quan, an toàn lưới điện.

"Trong những buổi trao đổi với các địa phương, chúng tôi cũng nói rằng - đừng biến đường "cao tốc" của EVNNPT thành đường nông thôn xã. Thời gian tới, các vùng miền cần cân đối việc đấu nối các dự án nguồn điện và tăng cường hệ thống truyền tải điện", ông Tân nêu quan điểm.

Cần hiểu đúng về việc xóa bỏ hoàn toàn về độc quyền nhà nước về truyền tải điện

Ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, hiện nay, vốn đầu tư cho phát triển điện lực rất lớn, lên tới 13 tỉ USD, trong đó đầu tư cho lưới điện là 3,7 tỉ USD. Chính vì vậy, việc xã hội hoá đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải rất cần thiết, đảm bảo đồng bộ giữa nguồn điện và lưới điện, đảm bảo đầu tư an toàn lưới điện.

Theo ông Tuấn Anh, đối với trường hợp là chủ đầu tư là doanh nghiệp tư nhân đầu tư hệ thống lưới điện truyền tải phục vụ đấu nối thì việc bàn giao lại cho ngành điện là chưa có cơ sở theo quy định, ngoại trừ một số chủ đầu tư dự án điện BOT thì việc đầu tư, bàn giao lưới điện phục vụ đấu nối trên cơ sở thoả thuận, quy định trong hợp đồng BOT.

Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho rằng, việc xoá bỏ hoàn toàn độc quyền về lưới điện truyền tải từ hoạt động đầu tư, quản lý, vận hành là vấn đề mới, cần cân nhắc kỹ lưỡng, đánh giá tác động tới việc tái cơ cấu ngành điện, thị trường điện các cấp độ, định hướng phát triển ngành điện đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, phân định trách nhiệm các bên tham gia, tác động vào giá bán điện.

Theo đó, cần hiểu đúng về chủ trương của Bộ Chính trị và Chính phủ, không phải xóa bỏ hoàn toàn về độc quyền nhà nước về truyền tải điện, mà cân tách bạch phạm vi nào cần độc quyền, phạm vi nào thực hiện được đầu tư tư nhân trên cơ sở bảo đảm quốc phòng, an ninh.

"Thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với các tư vấn trong, ngoài nước để nghiên cứu các quy định liên quan về đầu tư lưới điện truyền tải, nghiên cứu nghiệm quốc tế để xem xét, đề xuất nội dung hoàn thiện, sửa đổi Luật Điện về đầu tư lưới điện truyền tải nếu cần thiết", ông Tuấn Anh nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn