MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đấu thầu lại gạo dự trữ, giám sát chặt và nâng chế tài. Ảnh LDO (ảnh minh họa).

Đấu thầu lại gạo dự trữ: Làm gì để doanh nghiệp trúng thầu nhưng không "xù"

CAO NGUYÊN LDO | 14/05/2020 15:42

Ông Lê Văn Thời – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước cho rằng, trong hồ sơ mời thầu, Tổng cục đã chỉ đạo các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực nâng cao biện pháp ràng buộc hơn với các nhà thầu khi tham gia thầu, mức bảo lãnh dự thầu đã được nâng lên từ 1,5% đến 3% trên giá gói thầu bằng mức tối đa pháp luật đã qui định.

Trước thông tin nhà thầu tham gia đấu thầu lại lần hai khi đã trúng thầu rồi lại bỏ thầu, Tổng cục Dự trữ Nhà nước có những biện pháp gì? Ông Lê Văn Thời, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước nói:

Việc giao dịch, tham gia cung ứng gạo cho Dự trữ Quốc gia được thực hiện theo Bộ luật dân sự năm 2015, Luật Dự trữ Quốc gia năm 2012 và Luật Đấu thầu năm 2013.

Trường hợp doanh nghiệp trúng thầu không tới ký hợp đồng thì biện pháp chế tài là thu bảo lãnh dự thầu; nếu đã ký hợp đồng mà không thực hiện hoặc có thực hiện, nhưng không giao đủ số lượng theo hợp đồng đã ký thì bị thu bảo đảm thực hiện hợp đồng hoặc chịu phạt tối đa bằng 8% giá trị không thực hiện và cấm tham gia đấu thầu từ 3 năm đến 5 năm Luật Đấu thầu đã qui định.

“Căn cứ qui định của pháp luật về Đấu thầu, đợt mở thầu lần hai vào ngày 12.5.2020 vừa qua.

Trong Hồ sơ mời thầu, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã chỉ đạo các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực nâng cao biện pháp ràng buộc hơn với các nhà thầu khi tham gia thầu, mức bảo lãnh dự thầu đã được nâng lên từ 1,5% đến 3% trên giá gói thầu bằng mức tối đa pháp luật đã qui định.

Còn về lâu dài, chúng tôi cũng đã có kiến nghị cần sửa đổi Luật Đấu thầu bổ sung các chế tài khác để ràng buộc hơn với các nhà thầu khi tham gia đấu thầu không riêng chỉ có mua gạo Dự trữ Quốc gia, mà cho nhiều mặt hàng và các lĩnh vực khác”, ông Thời nói.

Báo cáo thêm về việc kết quả đấu thầu lại, theo ông Thời đến 10 giờ ngày 12.5, 22 Cục Dự trữ Nhà nước khu vực tổ chức mở thầu các gói thầu đã đủ điều kiện để mở thầu theo qui định của pháp luật. Trong đó có nhiều doanh nghiệp đã từ chối không ký hợp đồng cung ứng gạo cho Dự trữ Quốc gia đợt I vừa qua cũng tham gia đấu thầu lần này, vì theo qui định của pháp luật hiện hành thì không có qui định nào cấm họ không được tham gia dự thầu.

Hiện nay, các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực đang khẩn trương tổ chức đánh giá hồ sơ kỹ thuật, năng lực, kinh nghiệm của các nhà thầu tham dự thầu. Những nhà thầu vượt qua bước đánh giá hồ sơ kỹ thuật, đáp ứng được năng lực và kinh nghiệm theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu thì được mở hồ sơ tài chính để lựa chọn nhà thầu trúng thầu.

“Nhà thầu nào đáp ứng được hồ sơ kỹ thuật, năng lực, kinh nghiệm và có giá dự thầu thấp nhất được lựa chọn trúng thầu cung ứng cho dự trữ quốc gia.

Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã có công điện chỉ đạo các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực khẩn trương tổ chức đánh giá hồ sơ dự thầu và phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu trúng thầu chậm nhất là ngày 19.5 để ký hợp đồng xong trước ngày 22.5, thời gian thực hiện hợp đồng đến hết ngày 30.6.2020”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước chia sẻ thêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn