MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một khu giảng đường của Đại học Thủy lợi - cơ sở Phố Hiến, một trong những dự án đầu tư lớn mà không hiệu quả. Ảnh: LONG NGUYỄN

Đầu tư công: Chỗ giải ngân kiểu rùa bò, chỗ tốn nghìn tỉ rồi bỏ không

KHÁNH HOÀ LDO | 25/05/2018 08:30

Trong khi không ít dự án nghìn tỉ như Đại học Thủy lợi - cơ sở Phố Hiến, xây rồi “ế sưng”, một số dự án từ vốn đầu tư công khác cần thiết lại chậm được giải ngân dù tiền có sẵn trong kho bạc.

Phê bình 3 bộ vì tiền sẵn mà chậm giải ngân

Sáng 24.5 trong buổi làm việc với 3 bộ khối xã hội là Văn hoá Thể thao và Du lịch (VHTTDL), Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), Y tế, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã thẳng thắn phê bình về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trung hạn và kế hoạch năm 2018, bởi đây là 3 bộ có tiến độ giải ngân rất chậm, “chậm nhất toàn quốc”.

Theo kế hoạch đầu tư công trung hạn, Chính phủ bố trí cho 3 bộ này 44.000 tỉ đồng, trong đó Bộ Y tế được giao 32.000 tỉ đồng, Bộ GDĐT là 8.000 tỉ đồng, Bộ VHTTDL là 3.500 tỉ đồng, trong đó riêng năm 2018, Bộ Y tế phải giải ngân 5.260 tỉ đồng, còn Bộ VHTTDL là 337 tỉ đồng, Bộ GDĐT là hơn 1.300 tỉ đồng. Tuy nhiên, tính đến hết tháng 4.2018, tỉ lệ giải ngân của Bộ Y tế là 1,36%, Bộ VHTTDL là 6,28%, Bộ GDĐT giải ngân được 17%. Còn vốn nước ngoài, cả 3 bộ chưa giải ngân được đồng nào.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các bộ nêu rõ nguyên nhân trong tổ chức thực hiện các giải pháp đầu tư xây dựng. Chỉ rõ trách nhiệm của Chính phủ hay là của bộ trưởng, thứ trưởng phụ trách lĩnh vực trong tổ chức thực hiện, thanh tra, giám sát dự án; cam kết giải pháp thực hiện, không phải họp xong để đấy.

Trong 3 bộ trên, Bộ GDĐT có 3 dự án dùng vốn ODA nhưng dự án nâng cấp đại học Cần Thơ có khả năng không khởi công được trong năm 2018, dự án hỗ trợ đổi mới phổ thông mới bắt đầu tư vấn lựa chọn nhà thầu, dự án nâng cao năng lực đào tạo khám chữa bệnh tại Đại học Y dược - Đại học Huế vướng vì thủ tục kéo dài từ phía nhà tài trợ. Với Trường Đại học Việt - Đức thì không có vốn cho năm 2018 và năng lực Ban quản lý dự án kém.

Cắt vốn dự án chậm giải ngân

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải kiến nghị, cắt vốn các dự án chậm giải ngân chứ không thực hiện kéo dài dự án nữa như quy định của Luật Đầu tư công.

Đồng tình với Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Ban cán sự Đảng 3 bộ tổ chức kiểm điểm, xác định rõ các nguyên nhân chủ quan thuộc về các bộ, xác định trách nhiệm của bộ trưởng, người đứng đầu ở các cấp, các cơ quan, tổ chức liên quan khi để giao vốn và giải ngân vốn đầu tư chậm, làm lãng phí nguồn lực đầu tư công, giảm hiệu quả đầu tư công, không đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển y tế, giáo dục, văn hoá, đồng thời chỉ đạo huỷ dự toán trong kế hoạch trung hạn và thu hồi vốn giao với 3 dự án Bệnh viện Nhi cơ sở 2, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cơ sở 2 và Bệnh viện K nếu tới 31.10.2018 Bộ Y tế chưa phê duyệt xong chủ trương đầu tư.

Với Bộ GDĐT, Phó thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện 3 dự án ODA có nguy cơ không hoàn thành trong năm 2018, nhất là Đại học Cần Thơ.

“Có tình trạng lúc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn thì các bộ, ngành xin cho bằng được dự án của mình, nhưng lúc làm thì lại không chịu làm” - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phàn nàn, đồng thời chỉ đạo Ban cán sự Đảng các bộ đề ra giải pháp căn cơ, cụ thể, đi kèm với thanh tra, kiểm tra nội bộ, giám sát, đánh giá kết quả để đẩy nhanh tiến độ đầu tư công trong phạm vi của bộ được giao.

Báo Lao Động có bài phản ánh về tình trạng “ế sưng” của Đại học Thuỷ Lợi - cơ sở Phố Hiến, dù được đầu tư rất hiện đại với tổng mức đầu tư là 1.137,35 tỉ đồng, trong đó vốn vay Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) là 986,103 tỉ đồng, vốn trong nước là 151,23 tỉ đồng, vốn ngân sách Nhà nước là 142,61 tỉ đồng và nhà trường có 8,63 tỉ đồng.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, 1 chuyên gia kinh tế nhận định, cần tăng cường kiểm soát cũng như chế tài xử lý những vấn đề trong đầu tư công như chậm giải ngân các dự án cấp thiết hay đầu tư hàng trăm tỉ cho những dự án không cần thiết để rồi để đó gây lãng phí. “Việc chậm giải ngân các dự án cấp thiết như Bệnh viện Nhi cơ sở 2, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cơ sở 2 và Bệnh viện K, trong lúc các bệnh viện này đang quá tải không chỉ khiến quá trình cải thiện chất lượng dịch vụ công bị ảnh hưởng nghiêm trọng mà còn gây lãng phí lớn. Tương tự như vậy, những dự án nghìn tỉ nhưng sử dụng không hiệu quả khiến ngân sách bị thất thoát và cần có chế tài xử lý nghiêm” - chuyên gia này nhận định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn