MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xây dựng nhà máy sản xuất xe điện và pin trị giá 4 tỉ USD tại bang Bắc Carolina (Mỹ). Ảnh: TTXVN

Đầu tư của Việt Nam sang thị trường Mỹ tăng nhanh

Vũ Long LDO | 10/05/2022 16:52

Trong số 16 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam, thì đầu tư của Việt Nam sang Mỹ đang phát triển mạnh mẽ.

Đầu tư của Việt Nam vào Mỹ tăng mạnh

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT), trong số 16 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam trong những tháng đầu năm 2022, đáng chú ý là Mỹ bởi nguồn vốn đầu tư của Việt Nam vào đất nước cờ hoa đang tăng rất nhanh. Cụ thể, nếu trong 2 tháng đầu năm 2022, tổng số vốn đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam vào Mỹ đạt 2,9 triệu USD, thì trong 3 tháng đầu năm 2022 đã nhanh chóng tăng lên 34,5 triệu USD…

Trong số các dự án quy mô lớn của Việt Nam tại nước ngoài phải kể đến dự án xây nhà máy sản xuất xe điện và pin tại Bắc Carolina (Mỹ). Dự án có mức đầu tư lên tới 2 tỉ USD trong giai đoạn 1 và sẽ tạo ra hàng nghìn việc làm cho lao động địa phương. Trong đó, giai đoạn 1, dự án được khởi công trong năm 2022, ngay sau khi nhận được giấy phép xây dựng, dự kiến vận hành vào tháng 7.2024. Công suất giai đoạn 1 dự kiến đạt 150.000 xe mỗi năm. 

Ngày 29.3.2022, Tập đoàn Vinfast ký hợp đồng xây dựng nhà máy sản xuất xe điện và pin trị giá 4 tỉ USD tại bang North Carolina, trong tuyên bố được đăng ngày 29.3 trên trang web của Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng bày tỏ hoan nghênh dự án này của VinFast, khi dự kiến dự án này sẽ tạo ra hơn 7.000 việc làm cùng hàng trăm nghìn xe điện và pin.

Trao đổi với PV Lao Động về triển vọng hợp tác, đầu tư, thương mại giữa Việt Nam và Mỹ trong thời gian tới, chuyên gia kinh tế - PGS.TS Nguyễn Thường Lạng (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) - đánh giá: Trong thời gian qua, lĩnh vực thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Mỹ không ngừng phát triển.

“Nhiều sinh viên xuất sắc Việt Nam đã đóng góp tài năng của mình vào sáng tạo giá trị của nền kinh tế Mỹ. Việt Nam xuất khẩu hàng hoá với kim ngạch gia tăng ngày càng lớn sang Mỹ cũng như đầu tư trực tiếp của Mỹ vào Việt Nam tăng lên liên tục càng cho thấy độ hấp dẫn lẫn nhau gần như vô hạn giữa 2 quốc gia. Do đó, triển vọng sẽ còn rất lớn” - PGS.TS Nguyễn Thường Lạng nhấn mạnh.

Cân đối hài hòa lợi ích giữa 2 quốc gia

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, Mỹ cần coi trọng nhiều hơn đầu tư các ngành công nghệ cao, hạ tầng năng lượng và công nghệ thông tin và các ngành dịch vụ sinh lợi cao nhất là tài chính. Kết nối trực tiếp thị trường chứng khoán Việt Nam với Mỹ. Hỗ trợ Việt Nam đầu tư vào Mỹ để bổ sung các thế mạnh hiện hữu và tương lai.

“Cả hai bên cần phác thảo lộ trình hợp tác dài hạn đến 2030 khi Việt Nam thành nước có thu nhập trung bình cao và khi Việt Nam trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045. Mỹ nên hỗ trợ Việt Nam phát triển các loại công cụ như hệ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), các công cụ quản trị hiện đại, phát triển mô hình tập đoàn toàn cầu để Việt Nam có thêm động lực vươn tới”- PGS.TS Nguyễn Thường Lạng nói.

Theo Bộ KHĐT, đến tháng 3.2022, đầu tư trực tiếp của Mỹ tại Việt Nam đạt 10,3 tỉ USD, đứng thứ 11/141 trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Hiện nay, ngày càng nhiều doanh nghiệp lớn của Mỹ tiếp tục quan tâm, đầu tư vào thị trường Việt Nam, như: Tập đoàn Intel thông báo bổ sung đầu tư gần 500 triệu USD vào nhà máy tại TPHCM; đối tác sản xuất chính của Apple (Foxconn) bổ sung đầu tư 270 triệu USD tại Bắc Giang...

Phía Mỹ cũng thể hiện sẵn sàng thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực Việt Nam quan tâm như phát triển cơ sở hạ tầng, chuỗi cung ứng, năng lượng, kinh tế số.

Theo Tổng cục Thống kê, trong 4 tháng đầu năm 2022, Việt Nam có 34 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư ở nước ngoài, với tổng số vốn đạt 285,8 triệu USD, gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn