MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hàng nghìn tỉ đồng đầu tư điện gió, điện mặt trời có nguy cơ phải tiếp tục "đắp chiếu" và chờ cơ chế hướng dẫn. Ảnh: Cường Ngô

Đầu tư hàng nghìn tỉ, chủ đầu tư điện tái tạo tiếp tục bế tắc vì chưa thể đàm phán giá

Cường Ngô LDO | 03/04/2023 11:00

Hàng nghìn tỉ đồng đầu tư điện gió, điện mặt trời có nguy cơ phải tiếp tục “đắp chiếu” và chờ cơ chế hướng dẫn, dù đã qua thời hạn mà Bộ Công Thương yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải thực hiện việc đàm phán giá điện với các chủ đầu tư. Theo nguồn tin của Lao Động, đến thời điểm này mới chỉ có 6/85 nhà đầu tư nộp hồ sơ mua bán điện. Do vậy, việc để EVN và các doanh nghiệp “ngồi lên bàn đàm phán” còn rất xa.

Ông Trần Minh Tiến - chủ nhà máy điện gió tại Gia Lai và Quảng Trị - cho biết, 4 nhà máy điện gió của ông đều rơi vào diện dự án chuyển tiếp, chưa thể bán điện suốt hơn 1 năm qua. Mặc dù doanh nghiệp rất muốn đàm phán giá điện tái tạo chuyển tiếp với EVN, nhưng vì hồ sơ pháp lý rất phức tạp, gặp nhiều khó khăn trong khâu chuẩn bị, nên vẫn chưa thể "ngồi lên bàn đàm phán" với EVN. 

Theo quy định, EVN yêu cầu phải đầy đủ hồ sơ mới được đàm phán, nhưng các hồ sơ này bao gồm rất nhiều vấn đề hồ sơ đất đai, chủ trương đầu tư, các thỏa thuận chuyên ngành, trong đó nhiều giấy tờ đã hết hạn nên rất khó để chủ đầu tư hoàn tất các thủ tục này trong thời gian gấp rút.

Riêng về chủ trương đầu tư, ông Tiến cho biết, quy định phải nối điện trước 31.10.2021, song doanh nghiệp không kịp đóng điện thời điểm này mà hoàn thành sau đó khoảng 1 tháng, dẫn đến các thủ tục như nối điện thí nghiệm, các thủ tục liên quan đều ngưng trệ… Điều này khiến doanh nghiệp rơi vào tình trạng giấy tờ, thủ tục không đủ như quy định. 

Trao đổi với Lao Động, ông Bùi Vạn Thịnh - Chủ tịch Hiệp hội Điện gió và mặt trời Bình Thuận - cho biết, hồ sơ pháp lý cho các dự án điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp để làm cơ sở thoả thuận giá với EVN rất nhiều.

Bao gồm: Giấy chứng nhận hoặc chủ trương đầu tư còn hiệu lực; thiết kế cơ sở, thiết kế kĩ thuật được các cấp có thẩm quyền phê duyệt; các thủ tục về đất đai, quyết định cho thuê đất, giao đất; thoả thuận đấu nối còn hiệu lực… 

"Tất cả những hồ sơ pháp lý đã khó rồi - mà còn hiệu lực thì càng khó nữa. Bởi trong 2 năm qua, nhiều dự án điện mặt trời, điện gió không kịp hoàn thành tiến độ, nhiều dự án đã hết hạn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và một số lý do khách quan khác. Chính vì vậy, mốc thời gian 31.3, các nhà đầu tư phải hoàn thành việc đàm phán, thống nhất giá điện tái tạo là rất khó" - ông Thịnh nói.

Cũng theo ông Thịnh, nhiều nhà đầu tư cũng than vãn về việc cơ chế giá chuyển tiếp cho năng lượng mặt trời, năng lượng gió cũng chưa phù hợp với thực tiễn. Do đó, Bộ Công Thương cần thuê đơn vị tư vấn độc lập tính toán lại giá điện một cách hợp lý nhất, đảm bảo quyền lợi của các bên liên quan” - ông Thịnh cho hay.

Bà Nguyễn Thị Thanh Bình - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn T&T - cho rằng, hiện khung giá điện năng lượng tái tạo chuyển tiếp chưa phù hợp thực tiễn và nhà đầu tư bị ảnh hưởng "không hề được hỏi ý kiến". Kết quả, dù tính ra khung giá nhưng lại không có đơn vị tư vấn độc lập thẩm định nên không phù hợp với thực tế đầu tư. Do đó, doanh nghiệp này kiến nghị cần tính toán lại khung giá điện, trên cơ sở thuê đơn vị tư vấn độc lập. 

"Trong thời gian đàm phán giá, cần huy động nguồn từ các dự án đã hoàn thành (tổng công suất hơn 2.090 MW). Mức giá tạm tính có thể bằng 90% giá điện nhập khẩu (6,95 cent/kWh) và áp dụng hồi tố. Bởi nếu không huy động, nhìn mỗi tua bin điện gió hơn 150 tỉ đồng, đứng im thì thật xót xa" - bà Bình nói.

Đến EVN cũng gặp khó trong việc đàm phán giá điện gió, điện mặt trời

Liên quan đến những vướng mắc trong việc đàm phán giá điện của các dự án điện tái tạo (điện gió, điện mặt trời) chuyển tiếp, EVN cũng có văn bản gửi Bộ trưởng Công Thương nêu loạt vướng mắc cần gỡ khó do không có hướng dẫn từ bộ này. 

Cụ thể, về thời hạn hợp đồng, do Thông tư 01 quy định thực hiện phát triển dự án điện gió và hợp đồng mua bán điện mẫu cho các dự án điện gió đã bãi bỏ thời hạn hợp đồng mua bán điện (PPA) 20 năm trong hợp đồng của nhà máy điện mặt trời, nhưng vẫn giữ nguyên với nhà máy điện gió. Do đó EVN và các chủ đầu tư rất khó có thể thống nhất thời hạn của nhà máy điện mặt trời.

Về phương pháp xác định giá đàm phán, bao gồm các thông số đầu vào và nguyên tắc xác định giá điện với các nhà máy điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp, theo EVN, Bộ Công Thương vẫn chưa có hướng dẫn như các dự án điện truyền thống, vì thế EVN không thực hiện được.

Đối với dự án truyền thống, Bộ Công Thương quy định đời sống kinh tế dự án thủy điện là 40 năm, nhiệt điện than là 30 năm, nhiệt điện khí là 25 năm. Trong khi đó, các nhà máy điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp, Bộ Công Thương chưa có hướng dẫn. Điều này khiến EVN và các chủ đầu tư chưa có cơ sở để đàm phán.

Ngoài ra, EVN còn gặp khó khi hiện tồn tại hai nguyên tắc xác định giá điện từ các thông số đầu vào, là hệ số chiết khấu tài chính bình quân được quy định tại Thông tư 15 và theo dòng tiền từng năm từ phân tích kinh tế, tài chính đầu tư của dự án, nhưng lại chỉ áp dụng cho các dự án nguồn điện truyền thống, chưa có hướng dẫn áp dụng cho các dự án điện gió, mặt trời chuyển tiếp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn