MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Gỗ là một trong những nhóm hàng đạt giá trị thặng dư thương mại lớn khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Ảnh: Vũ Long

Đầu tư, thương mại Việt - Mỹ liên tục phát triển

Vũ Long LDO | 10/05/2022 15:23

Hiện nay, Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam. Năm 2021, lần đầu thương mại song phương cán mốc 100 tỉ USD.

Xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng trên 33%

Chia sẻ với PV Lao Động, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng cũng nhấn mạnh: "Quan hệ hợp tác Việt Nam - Mỹ là quan hệ phát triển hoàn toàn phù hợp với lợi ích và nguyện vọng nhân dân 2 nước. Nhờ mở rộng liên tục quan hệ với Mỹ, Việt Nam hiểu sâu hơn trước hết là giá trị của sự công bằng trong thương mại".

Theo Bộ Công Thương, Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam. Năm 2021, lần đầu thương mại song phương Việt - Mỹ cán mốc 100 tỉ USD (đạt 111,56 tỉ USD, tăng gần 21 tỉ USD so với năm 2020, trong đó, Việt Nam xuất khẩu đạt 96,29 tỉ USD). Riêng trong tháng 4.2022, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt gần 10,3 tỉ USD, tăng gần 33,3% so với cùng kỳ 2021.

Bà Bùi Kim Thùy - đại diện Cấp cao của Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN tại Việt Nam (USABC) - thành viên Hội đồng cố vấn Harvard - Asia Pacific, nhấn mạnh: Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 9 của Mỹ.

Trong giai đoạn hiện nay, Việt Nam và Mỹ tích cực triển khai Kế hoạch hành động hướng tới cán cân thương mại hài hòa và bền vững. Mặc dù Việt Nam và Mỹ chưa có Hiệp định thương mại tự do (FTA), nhưng trong thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều biện pháp hài hòa cán cân thương mại, trong đó, giảm thuế một số mặt hàng, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp. Từ đó, khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu sản phẩm từ Mỹ thông qua việc giảm thuế.

Gần đây, nhiều công ty lớn của Việt Nam như Bamboo, Vietnam Airlines, Vietjet đã có những hợp đồng hàng tỉ USD nhập khẩu máy bay Boeing, nhập khẩu các trang thiết bị, động cơ khác sử dụng trong ngành hàng không… cũng góp phần hài hòa quan hệ thương mại Việt - Mỹ theo hướng có lợi cho cả hai bên, bổ sung cho nhau theo hướng tận dụng tối đa ưu điểm từng bên.

Hiện nay, Việt Nam cũng nhập khẩu nhiều sản phẩm nông nghiệp của Mỹ như bông, ngô hạt, sản phẩm từ sữa,…

Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng xuất khẩu nhiều hàng hóa sang Mỹ. Theo Bộ Công Thương, đến hết tháng 4.2022, có 6 nhóm hàng xuất khẩu sang Mỹ đạt kim ngạch hơn 1 tỉ USD gồm: Dệt may, điện thoại, máy vi tính, máy móc, gỗ và sản phẩm gỗ, giày dép.

Mỹ cũng là thị trường xuất khẩu quan trọng của nhiều nhóm hàng chủ lực thuộc lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam, bao gồm: Thủy sản (đạt gần 850 triệu USD); hạt điều (đạt 286 triệu USD); cà phê (gần 103 triệu USD)...

“Mỹ và Việt Nam là hai nền kinh tế có tính bổ sung hài hòa nhau. Được biết, hiện nay, một số doanh nghiệp dệt may hàng đầu của Việt Nam đang có kế hoạch nhập khẩu hàng tỉ USD bông cotton USA – loại bông có chất lượng tốt nhất - từ Mỹ để tạo thành phẩm và sau đó xuất khẩu sang các thị trường khác, trong đó có Mỹ. Điều này thể hiện sự bổ sung rõ rệt, mang tính hài hòa” – bà Bùi Kim Thùy nhấn mạnh.

Mỹ là quốc gia đứng thứ 11 đầu tư vào Việt Nam

Bà Bùi Kim Thùy cho hay, đến tháng 3.2022, đầu tư trực tiếp của Mỹ tại Việt Nam đạt 10,3 tỉ USD, đứng thứ 11/141 trong số các nước và vùng lãnh thổ có đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam.

"Theo cách tính toán hiện nay, có nhiều nguồn đầu tư từ Mỹ vào Việt Nam nhưng lại không được tính vào nhóm Mỹ, do các công ty đa quốc gia chuyển tiền từ 1 nước nào đó mà không phải chuyển trực tiếp từ Mỹ. Vì vậy, khi tính tỉ lệ FDI đầu tư vào Việt Nam, con số đó được tính cho nền kinh tế khác chứ không phải Mỹ, trong khi thực tế đây lại là đầu tư trực tiếp của Mỹ vào Việt Nam" - bà Bùi Kim Thùy nhấn mạnh.

Bà Bùi Kim Thùy cũng cho rằng, hợp tác y tế và ứng phó COVID-19 giữa Việt Nam - Mỹ tiếp tục là điểm sáng. Thời gian vừa qua, Việt Nam rất thành công trong cuộc chiến chống Covid-19 được thế giới, Mỹ ghi nhận thông qua việc thành lập Văn phòng CDC Mỹ tại Việt Nam.

"Thành lập Văn phòng CDC Mỹ tại Việt Nam không có nghĩa CDC Mỹ đặt tại Hà Nội, Việt Nam mà đây là CDC Mỹ tại ASEAN, lấy Việt Nam là trụ sở chính. Đây chính là bước tiến lớn của Việt Nam trong việc phát triển y tế để ổn định, phát triển kinh tế, là dấu mốc quan trọng cho hiện tại và trong tương lai gần, hợp tác phát triển y tế giữa hai nước sẽ rất tốt" - bà Bùi Kim Thùy nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn