MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hàng chục xưởng gỗ ván bóc ở Yên Bái phải dừng hoạt động do không tìm được nguồn tiêu thụ. Ảnh: Bảo Nguyên

Đầu tư tiền tỉ mở xưởng gỗ, người dân vùng cao lao đao vì vắng khách

Bảo Nguyên LDO | 22/10/2023 11:35

Yên Bái - Từ đầu năm đến nay, chỉ tính riêng địa bàn xã Lương Thịnh, huyện Trấn Yên đã có 40/65 xưởng gỗ ván bóc phải dừng hoặc hoạt động một cách cầm chừng do vắng khách.

Cuối năm 2022, gia đình anh Nguyễn Mạnh Hường vay mượn, đầu tư nhiều tỉ đồng mở xưởng gỗ ván bóc ở thôn Đồng Bằng, xã Lương Thịnh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái.

Khi đó, sản phẩm bán rất dễ, nhiều doanh nghiệp đến tận nơi mua ván bóc về chế biến. Tuy nhiên, chỉ sang năm đầu năm 2023, người mua ít hẳn. Thi thoảng có khách nhưng các "thượng đế" lại trả giá rất thấp…

“Hiện xưởng của gia đình tôi dừng hoạt động, ván bóc còn hơn 500m3 chất đầy 2 kho do chưa tiêu thụ được. Lâu lâu, tôi phải khởi động máy móc cho khỏi han gỉ, hỏng hóc”, anh Hường buồn rầu.

Những cơ sở chế biến gỗ nhỏ lẻ ở các địa phương vùng cao đang gặp khó khăn trong tiêu thụ. Ảnh: Bảo Nguyên

Ông Dương Kim Tư - chủ một xưởng gỗ ván bóc khác ở thôn Đồng Bằng, xã Lương Thịnh cho biết: Thời cao điểm, mỗi ngày xưởng sơ chế cả chục mét khối gỗ nguyên liệu với 6 công nhân lao động thường xuyên và hàng chục nhân công phơi ván mùa vụ.

Tuy nhiên vài tháng nay, do giá gỗ xuống thấp, nếu bán thì thua lỗ nên xưởng phải dừng hoạt động.

Nhiều máy móc đầu tư hàng trăm triệu đến nhiều tỉ đồng phải bỏ không. Ảnh: Bảo Nguyên

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Hà Thanh Tâm - Chủ tịch UBND xã Lương Thịnh cho biết, toàn xã hiện có trên 65 cơ sở sản xuất, chế biến gỗ rừng trồng. Các sản phẩm chủ yếu là ván ép, gỗ thanh, ván bóc.

Thời cao điểm, các xưởng hoạt động rất tốt, tạo công ăn việc làm cho hơn 250 lao động địa phương. Từ giữa năm 2022 đến nay, do khó khăn về đầu ra nên có khoảng 40 xưởng xin tạm dừng hoạt động.

Khả năng liên kết bao tiêu sản phẩm ổn định là bài toán khó đối với các xưởng gỗ. Ảnh: Bảo Nguyên

Lý giải về tình trạng trên, ông Nguyễn Thái Bình - Phó giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Yên Bái cho biết, do nhu cầu các thị trường nhập khẩu gỗ giảm mạnh, không có hoặc rất ít đơn hàng, từ đó, chuỗi cung ứng nguyên liệu gỗ bị đứt gãy tác động trực tiếp đến các cơ sở chế biến gỗ và các hộ dân trồng rừng, buộc nhiều cơ sở chế biến gỗ phải tạm dừng sản xuất.

Mặt khác, phần lớn các cơ sở sản xuất, chế biến gỗ rừng trồng trên địa bàn tỉnh Yên Bái có công nghệ chế biến còn lạc hậu, năng suất và chất lượng sản phẩm chưa cao, mẫu hàng còn đơn điệu, sản phẩm có sức cạnh tranh không cao…, từ đó khiến việc tiêu thụ gỗ chế biến từ rừng trồng gặp vô vàn khó khăn, trở ngại.

Phần lớn cơ sở chế biến gỗ ở Lương Thịnh đang hoạt động cầm chừng hoặc dừng hẳn. Ảnh: Bảo Nguyên

Đặc biệt, từ giữa tháng 4, Liên minh châu Âu (EU) có quy định sản phẩm xuất khẩu vào thị trường này phải chứng minh không liên quan đến việc gây mất rừng và suy thoái rừng. Theo đó, toàn bộ những sản phẩm hàng hóa được sản xuất trên đất rừng bị chuyển đổi thành đất để sản xuất ra các sản phẩm này sau ngày 31.12.2020 không được nhập khẩu vào EU. Do vậy, việc xuất khẩu gỗ rừng trồng sang thị trường này thêm phần khó khăn.

Theo Phó Giám đốc Sở NNPTNN Yên Bái, để ngành công nghiệp chế biến gỗ rừng trồng phát triển bền vững, tỉnh đang tiếp tục rà soát và quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu tập trung, chuyển hóa từ rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn để mở rộng diện tích cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững; kiểm soát việc cấp phép cho các cơ sở chế biến gỗ theo đúng tiêu chí, đảm bảo quy mô và chất lượng sản phẩm sau chế biến.

Theo số liệu từ cơ quan chức năng, Yên Bái có 520 cơ sở chế biến gỗ tập trung chủ yếu trên địa bàn các huyện Trấn Yên, Yên Bình, Lục Yên, Văn Yên, Văn Chấn và thành phố Yên Bái.

Tính thời điểm hiện tại, có trên 230 cơ sở chế biến gỗ rừng trồng ở các địa phương trên dừng hoạt động.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn