MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bài toán về ngành nhựa đòi hỏi quá trình chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn. Ảnh minh họa: Nguyễn Huế - Đình Hiếu

Đẩy mạnh kinh tế tuần hoàn từ tái chế nhựa

Quý An LDO | 16/11/2023 18:46

Kinh tế tuần hoàn đang trở thành một xu thế tất yếu, còn được mô tả là cuộc cách mạng xanh của thế kỷ XI. Đi kèm với phát triển kinh tế, bài toán về ngành nhựa đòi hỏi quá trình chuyển đổi mạnh mẽ hơn nữa.

Ngày 16.11, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì tổ chức Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn Việt Nam 2023. Phát biểu tại sự kiện, bà Nguyễn Thị Bích Vân - Chủ tịch Unilever Việt Nam cho biết mỗi năm Việt Nam tiêu thụ 3 triệu tấn nhựa, nhưng chỉ tái chế được 33%. Xét về mặt kinh tế, 70% giá trị vật liệu nhựa bị lãng phí - tương đương 3 tỉ USD mỗi năm. Tuy nhiên, yếu tố lớn hơn là nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

"Chúng ta phải bẻ hướng dòng chảy của nhựa thông qua kinh tế tuần hoàn. Nhựa phải được tái sinh để tiếp tục phục vụ cho con người. Kinh tế tuần hoàn đòi hỏi chúng ta phải có sự cam kết trong đầu tư" - bà Vân đặt vấn đề tại Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn Việt Nam 2023.

Theo đó, Chủ tịch Unilever Việt Nam đưa ra một số kiến nghị cho việc áp dụng kinh tế tuần hoàn cho ngành nhựa.

Thứ nhất, sẽ cần rất nhiều sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa của các cơ quan nhà nước, các nhà thu gom, các nhà phân phối, các tổ chức dân sự. Thứ hai, cần đầu tư trên các công nghệ hiện đại, mang tính hệ thống để thu gom rác thải. Thứ ba, cần có chính sách khuyến khích cho tái chế nhựa để giải quyết đầu ra cho ngành nhựa. Thứ tư, cần huy động người dân tham gia phân loại rác tại nguồn để có đầu vào chất lượng cụ thể.

Theo bà Nguyễn Thị Bích Vân - Chủ tịch Unilever Việt Nam, cần đầu tư trên các công nghệ hiện đại, mang tính hệ thống để thu gom rác thải.

Ông Christian Kaufholz - Giám đốc Chương trình Hợp tác Hành động toàn cầu về Nhựa (GPAP) - DIễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) nhận định, rác thải nhựa là mục tiêu cần phải thực hiện thường xuyên để hướng đến đến 2050. Khi đó, đại dương sẽ không còn nhựa. GPAP đã có những sáng kiến từ 2018 đi kèm với định hình mục tiêu để tạo nên cách tiếp cận cụ thể ở cấp độ toàn cầu. Qua đó, có thể xây dựng các công cụ đánh giá để giúp các nước đưa ra biện pháp phù hợp.

"30 năm qua, Việt Nam đã phát triển kinh tế mạnh mẽ với sự tham gia của cả khu vực công, tư, kéo theo gia tăng tiêu dùng đáng kể và lượng rác thải không nhỏ với 3,7 triệu tấn nhựa sau tiêu dùng mỗi năm. Hiện Việt Nam đang là một trong những quốc gia đặt mục tiêu cải thiện mạnh mẽ để giúp cho hành tinh bền vững hơn.

Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ triển khai chương trình hành động quốc gia về kinh tế tuần hoàn. Đó là một phần quan trọng trong quá trình hiện thực hóa văn bản pháp luật, xây dựng khuôn khổ thực thi để chuyển đổi kinh tế" - ông Kaufholz nói.

Trong thời gian qua, vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu luôn được đặt ở vị trí ưu tiên cao nhất trong chương trình Nghị sự, kế hoạch phát triển của đất nước với mục tiêu bảo vệ sức khỏe nhân dân, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái.

Các mô hình kinh tế tuần hoàn được triển khai trong thực tiễn thông qua cách tiếp cận Môi trường - Xã hội - Quản trị (ESG) là những điển hình cụ thể, minh chứng tính hiệu quả trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu mà Việt Nam đang phải đối mặt.

Bà Ramla Khalidi, Đại diện thường trú, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cho biết: "Chúng tôi tin rằng việc xây dựng một thế giới bền vững, bao trùm thịnh vượng vào năm 2030 không chỉ cần thiết, mà còn khả thi. Thông qua thúc đẩy chuyển dịch sang một nền kinh tế carbon thấp và kinh tế tuần hoàn, Việt Nam có thể dẫn dắt cũng như định hướng con đường phát triển nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững thông qua đầu tư vào 3 nhóm vấn đề chiến lược: thiết kế tốt hơn cho kinh tế tuần hoàn, thúc đẩy chuyển đổi số và nâng cao vốn con người".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn