MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sản phẩm OCOP phát huy giá trị đặc sản tiêu biểu vùng miền. Ảnh: Vũ Long

Đẩy mạnh liên kết, tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm OCOP

Vũ Long LDO | 04/12/2020 18:49

Chương trình OCOP được đánh giá là "điểm sáng" trong xây dựng nông thôn mới, đang phát huy giá trị và cần được đẩy mạnh liên kết tiêu thụ.

OCOP- điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), trong nhiều năm qua nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu cấp quốc tế, cấp khu vực, cấp quốc gia, cấp vùng, cấp địa phương đã liên tục được bộ NNPTNT phối hợp với các địa phương, đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM để đưa nông sản an toàn, chất lượng tốt đến với người tiêu dùng. Qua các chương trình kết nối tiêu thụ này, các sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền đã được người tiêu dùng cả nước biết đến, nâng cao giá trị nông sản, đặc sản của các địa phương.

Chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm) được thực hiện ở hầu hết các địa phương trên cả nước, đã tạo ra hàng nghìn sản phẩm hàng hóa đa dạng và cho thấy sự sáng tạo của người dân là vô hạn, ngày càng khẳng định sự phát triển mạnh mẽ của chương trình OCOP - một "điểm sáng" trong phong trào xây dựng nông thôn mới.

Theo Sở NNPTNT tỉnh Vĩnh Long, địa phương đã có 19 sản phẩm của 19 chủ thể là doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) và hộ kinh doanh được công nhận sản phẩm. 5 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 14 sản phẩm đạt hạng 3 sao.

Sản phẩm đạt 4 sao gồm gạo HTX Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt, bún Ba Khánh, cơm sấy chà bông của Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ sản xuất thực phẩm Nhật Quỳnh, Snack nấm bào ngư của Công ty TNHH MTV thực phẩm sạch An An, Du lịch Homestay của Công ty TNHH Thương mại - Du lịch Vĩnh Long Phương Thảo.

Năm 2020, dự kiến có khoảng 35 ngành hàng thuộc nhóm sản phẩm OCOP, việc đánh giá, xếp hạng sản phẩm theo các đẳng cấp từ 3 sao đến 4 sao sẽ tạo điều kiện phát triển các sản phẩm theo các chiều hướng thích hợp.

Tỉnh đã tổ chức vận động 34 tổ chức, cá nhân tham gia chương trình, tổ chức đánh giá, phân hạng 30 sản phẩm đồng thời hỗ trợ hoàn thiện 10 sản phẩm để nâng tầm giá trị bao gồm (bánh tráng cù lao Mây, tàu hũ ky Mỹ Hòa, chiếu lác Thành Đông, sản phẩm đan nón lục bình Tam Bình, khoai mỡ Mang Thít, chả lụa Hữu Mang Thít, Cốm gạo Xuân Phượng, Trà đinh lăng Trường Ái, Yaourt gạo tím thảo dược Tấn Đạt, Tảo xoắn Long Hồ)...

Cần bảo vệ thương hiệu cho các sản phẩm OCOP

Chiều 4.12, phát biểu tại hội nghị Kết nối cung cầu các sản phẩm OCOP do Bộ NNPTNT tổ chức, bà Vũ Thị Hậu - Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam nêu ý kiến: Để bảo vệ danh hiệu, chất lượng các sản phẩm OCOP, tránh tình trạng “đội lốt”, trá hình để trục lợi, các cơ quan quản lý nhà nước mà cụ thể là chính quyền địa phương cần siết chặt công tác quản lý sản phẩm, kiên quyết thu hồi giấy chứng nhận đạt sao của các sản phẩm do doanh nghiệp không sản xuất hoặc sản xuất không đảm bảo tiêu chuẩn cũng như không có tiềm năng phát triển.

“100% sản phẩm đều phải dán tem điện tử truy xuất nguồn gốc để góp phần khẳng định uy tín, thương hiệu cho sản phẩm, chống hàng kém chất lượng, tạo niềm tin đối với người tiêu dùng” – bà Hậu nhấn mạnh.

Sản phẩm OCOP cần được kết nối tiêu thụ. Ảnh: Vũ Long

Cùng với đó, cần thúc đẩy phát triển sản phẩm quy mô lớn để đáp ứng sản lượng, nâng cao chất lượng sản phẩm, tiêu chuẩn hóa sản phẩm, bảo hộ sở hữu trí tuệ & quản lý nhãn hiệu OCOP, xây dựng OCOP trở thành thương hiệu mạnh cho sản phẩm.

Về phía các doanh nghiệp, Hợp tác xã, chủ thể OCOP, cần hoàn thiện các thủ tục pháp lý cho doanh nghiệp, cho sản phẩm; đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, áp dụng theo tiêu chuẩn nông nghiệp sạch trong sản xuất, chế biến, bảo quản; đẩy nhanh việc đưa sản phẩm ra thị trường theo nhiều kênh phân phối tùy theo mức độ sản lượng của doanh nghiệp khai thác thị trường tiềm năng cho sản phẩm của mình...

Theo Bộ NNPTNT, các sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền của các tỉnh thành là các sản phẩm đặc thù, phần lớn được sản xuất tại các cơ sở nhỏ lẻ nên việc phát triển sản phẩm gặp nhiều khó khăn.

Do đó, để sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền có chỗ đứng trên thị trường cần có đầu mối hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở này phát triển, hoàn thiện sản phẩm; chuẩn hóa hồ sơ nhằm đưa sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền vào hệ thống kênh phân phối hiện đại, các hệ thống bán lẻ và các điểm phân phối giới thiệu sản phẩm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn