MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Biểu đồ giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản giai đoạn từ năm 2016 - 2023.

Đẩy mạnh nguồn vốn tín dụng hỗ trợ ngành lâm, thủy sản

Phong Nguyễn LDO | 12/04/2024 09:28

Lâm nghiệp và thủy sản là 2 nhóm hàng xuất khẩu (XK) mang về giá trị kim ngạch rất lớn cho ngành nông nghiệp và nông thôn (NNPTNT), đặc biệt là mặt hàng gỗ hàng năm mang về từ 15-16 tỉ USD.

2 nhóm hàng xuất khẩu chiến lược của ngành NNPTNT

Theo các doanh nghiệp ngành gỗ và thủy sản, liên tục 2 năm gần đây, XK các mặt hàng lâm, thủy sản gặp không ít khó khăn, giá trị kim ngạch đang sụt giảm.

Thống kê cho thấy, nếu như năm 2022, XK gỗ và lâm sản đạt kim ngạch trên 16,9 tỉ USD, thì đến năm 2023, với nhiều khó khăn nội tại và khách quan trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu nhiều bất ổn, thủy sản đã rời nhóm XK trên 10 tỉ USD, khi kim ngạch XK cả năm ở mức trên 9,2 tỉ USD.

Mặc dù trong 2 tháng đầu năm, XK thủy sản đang có dấu hiệu khả quan hơn, tổng kim ngạch XK đạt trên 1,3 tỉ USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước, nhưng tháng 2.2024, giá trị kim ngạch XK thủy sản giảm 8% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 564 triệu USD.

Với những vấn đề nêu trên, các doanh nghiệp chế biến và XK gỗ cũng như thủy sản xác định vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong năm nay bởi những bất ổn chính trị, khủng hoảng kinh tế trên toàn cầu tác động đến “cầu” tiêu dùng của các nước, làm giảm nhập khẩu tại nhiều thị trường.

Như vậy, để ngành lâm, thủy sản phát triển bền vững, đặc biệt là để ngành thủy sản gia nhập trở lại “CLB trên 10 tỉ USD”, cần nhiều giải pháp hỗ trợ, trong đó, đẩy mạnh nguồn vốn tín dụng cho các doanh nghiệp, HTX là một trong những giải pháp thiết thực nhất.

Đẩy mạnh hỗ trợ tín dụng để XK gỗ và thủy sản phát triển bền vững

Theo ông Trần Đình Luân - Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ NTPTNT), ngành đang gặp không ít khó khăn khi nguồn lợi hải sản suy giảm, EC tiếp tục giữ cảnh báo thẻ vàng đối với sản phẩm thủy sản khai thác, nhu cầu nhập khẩu của các thị trường chưa có dấu hiệu hồi phục...

Bà Nguyễn Thị Sắc - Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) cũng cho hay, hiện nay các doanh nghiệp thủy sản vẫn đang đối mặt với những khó khăn như tình trạng dư cung, tồn kho nhiều, giá mua thấp, áp lực cạnh tranh lớn…

Nói về những khó khăn của ngành gỗ, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Quốc Trị cho hay: Chia sẻ với Vifores, chúng tôi được biết có những container hàng vận chuyển chi phí trước đây chỉ hơn 1.000 USD thì nay tăng hơn 6.800 USD, thậm chí cao hơn. Đây là những khó khăn.

Còn theo ông Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, hiện giá thành sản xuất của doanh nghiệp ngành gỗ còn khá cao; bên cạnh đó là những rủi ro trong việc cấp chứng chỉ rừng cũng như truy xuất nguồn gốc gỗ. Vì vậy, cần phải có giải pháp để phát triển vùng nguyên liệu. Trong đó, việc trồng rừng gỗ lớn phải có chính sách hỗ trợ người dân, đồng thời phải có chính sách ưu đãi về vốn cho các doanh nghiệp làm liên kết phát triển vùng gỗ lớn.

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, việc triển khai gói tín dụng 15.000 tỉ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản rất tích cực, chưa đầy 1 năm triển khai đã được giải ngân hết. Để hỗ trợ ngành lâm, thủy sản, sắp tới sẽ bổ sung thêm 15.000 tỉ đồng.

"Đến nay đã giải ngân hết, chúng tôi cũng tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại đã và đang tham gia sẽ tiếp tục có gói bổ sung gói này thêm 15.000 tỉ đồng nữa, nghĩa là sẽ có 30.000 tỉ đồng hỗ trợ cho lĩnh vực sản xuất, chế biến, XK lâm sản, thủy sản" - Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh.

Năm 2024, ngành gỗ đặt mục tiêu phấn đấu giá trị XK gỗ và lâm sản đạt 15,2 tỉ USD, trong đó gỗ và sản phẩm gỗ là trên 14,2 tỉ USD, tăng khoảng 6% so với năm 2023. Ngành thủy sản cũng phấn đấu XK đạt kim ngạch trên 9,9 tỉ USD.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn