MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt nhằm kiểm soát việc nộp thuế

Minh Ánh thực hiện LDO | 29/02/2024 11:20

Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục siết quản lý thu thuế từ thương mại điện tử. Theo TS Nguyễn Ngọc Tú - người có hơn 30 năm kinh nghiệm trong ngành thuế, giảng viên Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, để thực hiện được điều này cần có nhiều giải pháp căn cơ hơn nữa, thay vì chỉ "rung cây dọa khỉ".

Thưa TS Nguyễn Ngọc Tú, việc Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục siết quản lý thu thuế từ thương mại điện tử, ông có đánh giá ra sao về vấn đề này?

- Trong Luật Quản lý Thuế 2019 và Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định những tổ chức cá nhân nợ thuế kéo dài và đang bị cưỡng chế hành chính thuế, có thể bị tạm hoãn xuất cảnh. Quy định là phù hợp với thông lệ quốc tế, đảm bảo thu được thuế cho ngân sách Nhà nước.

Các biện pháp cưỡng chế thi hành áp dụng với người vi phạm mà cơ quan thuế có thể triển khai như không cho sử dụng hóa đơn; trích tiền từ tài khoản ngân hàng của tổ chức, cá nhân để trừ nợ, hoặc kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên theo quy định của pháp luật...; thậm chí nếu người nợ thuế vẫn trây ỳ thì cơ quan thuế sẽ chuyển hồ sơ cho cơ quan công an để truy tố. Dù đây là quy định cần thiết, nhưng thời gian qua chúng ta chưa đánh trúng đối tượng, mà dàn trải, cấm xuất cảnh với các đối tượng tràn lan. Trong bối cảnh kinh tế hội nhập, các doanh nghiệp làm việc với các đối tác trên thế giới không phải là ít. Vì vậy, nếu cơ quan thuế không xác định được đúng đối tượng, đúng trường hợp sẽ vô tình làm cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng, không thể tiếp tục làm ăn. Thậm chí với những doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán, nếu quy định cấm xuất cảnh không được xem xét kỹ thì sẽ khiến giá trị cổ phiếu cả doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp.

Riêng đối với lĩnh vực thương mại điện tử, chỉ đạo của đại diện Tổng cục Thuế vừa qua cũng chỉ như "rung cây dọa khỉ" vì trên thực tế loại hình kinh doanh này đang rất phát triển ở Việt Nam, doanh số kinh doanh rất lớn nhưng số thu thuế lại rất thấp.

Ông có thể đánh giá kỹ hơn về vấn đề thu thuế đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh bán hàng online? Giải pháp để tránh thất thu thuế đối với các đối tượng này như thế nào?

- Hiện nay Việt Nam có hơn 60% dân số đang tham gia mua sắm online, đặc biệt là qua các sàn thương mại điện tử.

Sau 1 năm kể từ khi vận hành “Cổng dữ liệu thông tin Thương mại điện tử”, buộc các sàn thương mại điện tử cung cấp thông tin. Năm 2023, số thu từ thương mại điện tử đối với các tổ chức, cá nhân trong nước đạt 536,5 tỉ đồng. Cơ quan thuế cũng truy thu, xử lý vi phạm khoảng 275 tỉ đồng từ 179 doanh nghiệp và 1.061 cá nhân kinh doanh trên sàn...

Phải khẳng định rằng, hiện nay cơ quan thuế vẫn đang gặp khó khăn trong việc phát hiện các trường hợp người bán hàng trên các sàn này trây ỳ nộp thuế.

Mặc dù cơ quan thuế yêu cầu các sàn thương mại điện tử, các ngân hàng thương mại cung cấp thông tin cho cơ quan thuế về số lượng người buôn bán, giao dịch nhưng đây là kho tàng thông tin khổng lồ mà cơ quan thuế chưa có giải pháp để phân tích.

Đáng nói, nhiều người hiện nay dù kinh doanh online nhưng khi thu tiền lại không xuất hóa đơn và thu tiền mặt khiến cho cơ quan thuế khó quản lý.

Vì vậy, muốn thu được thuế đối với các nhóm đối tượng kinh doanh online, cơ quan thuế cần có giải pháp về công nghệ cao, cần các chuyên gia về kỹ thuật công nghệ cung cấp các phần mềm, công cụ sàng lọc các thông tin số lượng giao dịch thông qua các sàn thương mại điện tử. Đối với việc thanh toán không dùng tiền mặt, chúng ta cần có giải pháp quyết liệt từ Trung ương, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, để dễ dàng quản lý thông tin, kiểm soát việc nộp thuế.

Xin cảm ơn ông!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn