MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Quyết định cho phép EVN tăng giá bán điện tùy thuộc vào từng góc nhìn của cơ quan quản lý. Ảnh: EVN

Đẩy nhanh các dự án nguồn điện thay vì tăng giá mới là giải pháp căn cơ cho ngành điện

Anh Tuấn LDO | 04/01/2024 17:33

TS Ngô Đức Lâm - nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) cho rằng, lấy việc tăng giá điện để xử lý các khoản lỗ của EVN là không thỏa đáng bởi hiện nay, việc sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp rất khó khăn và “vượt xa dự tính của ngành điện”.

Năm 2023, khoản lỗ lũy kế của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tiếp tục tăng lên bất chấp giá bán điện đã được điều chỉnh tăng 2 lần, thêm 3% và 4,5%.

Tại hội nghị tổng kết EVN ngày 2.1, ông Nguyễn Hoàng Anh - Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho rằng nếu không tăng giá điện sẽ không giải quyết được lỗ lũy kế của EVN. Trong khi đó, miền Bắc vẫn có thể thiếu từ 1.200 - 1.500MW vào cuối tháng 5 đến tháng 7 năm nay.

Trao đổi với Lao Động, TS Ngô Đức Lâm - nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) cho rằng, lấy việc tăng giá điện để xử lý các khoản lỗ của EVN là không thỏa đáng. Theo ông, trong các đề xuất điều chỉnh giá điện của EVN trước đây, mới chỉ chú ý đến các yếu tố làm tăng chi phí, chưa quan tâm đến các yếu tố giảm chi phí, như mùa nước, tăng công suất của các nhà máy thủy điện, hay việc giảm tổn thất và hạ giá thành của hệ thống.

TS Ngô Đức Lâm - nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng. Ảnh: Đại biểu Nhân dân

Ông cho rằng, theo Luật Giá năm 2012, ngành điện đã đủ mọi điều kiện để đầu tư và tái phát triển vì tất cả chi phí đều được tính vào giá thành. Ngoài giá thành, Nhà nước còn tính định mức hợp lý cho số lãi để cho ngành điện phát triển và đảm bảo phúc lợi.

"Tôi nghĩ rằng, cách tính giá điện hiện nay của Bộ Công Thương không đảm bảo nguyên tắc tổng doanh thu điện sinh hoạt được tính theo từng bậc (5, 6 bậc) cho khách hàng (gọi là T2) phải cân bằng với tổng doanh thu tính theo giá điện bình quân (gọi là T1).

Các đoàn thanh tra hằng năm kiểm toán cũng không công bố các con số này. Trong khi đó, nếu ngay từ đầu công khai, đảm bảo đủ nguyên tắc T1 luôn bằng T2 thì dù có chia 3 hay 5, 7 bậc, giá trung bình tính ra cũng đều quay về giá bình quân, không thể cao hơn.

Số lượng từng bậc sử dụng bao nhiêu điện rất dễ để tính toán. Nếu như kiểm toán thì sẽ biết bậc 1, bậc 2… sẽ dùng hết bao nhiêu điện, nhân với giá điện sẽ tính ngay ra chênh lệch của 5 hoặc 6 bậc ấy với tổng thu nhập của giá điện bình quân nếu không bằng nhau thì đó sẽ là chênh lệch", TS Ngô Đức Lâm nói.

Năm 2024, TS Lâm cho rằng "giá điện cần sự ổn định" để giảm thiểu tác động bất lợi đến ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội, bởi giá điện khác với các sản phẩm khác, như xăng dầu, chịu ảnh hưởng tức thời của giá thế giới, không đòi hỏi tần suất điều chỉnh ngắn.

Quyết định cho phép EVN tăng giá bán điện tùy thuộc vào từng góc nhìn của cơ quan quản lý. Nhưng ông Lâm vẫn khuyến cáo rằng một lộ trình tăng giá điện phù hợp sẽ đảm bảo được sức chống chịu của nền kinh tế, đồng thời giữ an toàn tài chính cho ngành điện.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng cần nhìn nhận khách quan việc tăng giá điện để xử lý khoản lỗ của EVN.

Ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, giá điện cần đảm bảo hài hòa lợi ích các bên, đảm bảo nguyên tắc giá điện là cần tính đúng, tính đủ, cùng với các chính sách hỗ trợ khác cho các nhóm đối tượng.

Để tính đúng, tính đủ giá điện, ông Phan Đức Hiếu cho rằng cần đảm bảo an ninh nguồn điện với sự đồng bộ, kịp thời. Đẩy nhanh các dự án nguồn điện, tăng tính cạnh tranh trên cơ sở giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính, không sản xuất bằng mọi giá; có chính sách phù hợp với từng nhóm đối tượng, tiết kiệm điện, tiêu thụ điện xanh.

Theo báo cáo trình Bộ Công Thương hồi đầu tháng 12.2023, EVN cho biết năm 2023, tập đoàn ghi nhận khoản lỗ ước tính 17.000 tỉ đồng, trong đó riêng công ty mẹ lỗ tới 24.595 tỉ đồng. Năm 2022, tập đoàn này cũng đã lỗ 26.235 tỉ đồng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh điện và các hoạt động liên quan.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn